Trang chủ Đời sống Tôn vinh Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10. Bàn về đạo đức...

Tôn vinh Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10. Bàn về đạo đức văn hóa trong kinh doanh!

Quảng cáo

Ngày doanh nhân Việt Nam được diễn ra hằng năm vào ngày 13-10 nhằm để khuyến khích, tôn vinh vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân với những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, tạo việc làm, đóng góp quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Lịch sử ra đời của ngày Doanh nhân Việt Nam

Ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đến giới Công thương Việt Nam nhằm khuyến khích sự phát triển, nhấn mạnh vai trò của giới Công thương với nội dung cụ thể như sau: “Hiện nay Công Thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích quốc lợi dân,… Trong lúc các giới khác trong quốc dân đang ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng…”

Quảng cáo

Theo đường lối chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Bác, ngày 20/09/2004 Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký Quyết định số 990/QĐ-TTg và lựa chọn ngày 13/10 hằng năm là ngày tôn vinh Doanh nhân Việt Nam.

Đây được xem là một bước tiến rất quan trọng để cụ thể hoá đường lối, sự chỉ dẫn của Bác trong việc đánh giá cao vai trò quan trọng của doanh nhân Việt Nam, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển bền vững, tăng cường phát triển, hội nhập quốc tế. 

Ngày Doanh nhân Việt Nam với những ý nghĩa to lớn

Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 góp phần tri ân những người doanh nhân đã cống hiến hết mình vào sự phát triển của kinh tế xã hội Việt Nam như ngày nay. Góp phần tạo động lực phát triển đối với đội ngũ Doanh nhân tiếp tục phát triển vững mạnh, đánh bại thách thức, gian truân, giúp góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam vươn ra thế giới, bắt kịp với dòng chảy phát triển của thời đại.

Với sự hội nhập sâu rộng giữa các quốc gia, chức chức trên thế giới với nhau như hiện nay, vai trò của các doanh nhân lại ngày càng quan trọng. Sự ra đời của ngày doanh nhân giúp cho các cá nhân, tổ chức ý thức rõ về trách nhiệm của bản thân trong việc phát triển, xây dựng kinh tế xã hội, hội nhập với các quốc gia trên thế giới.

Đạo đức và văn hoá kinh doanh là nguồn lực đối với doanh nghiệp 

Theo ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc xây dựng, phát triển và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm. 

Trong thời kỳ đổi mới này thì sự quan tâm này tiếp tục được nâng cao. Sau hơn 35 năm đổi mới, có thể thấy rõ được sự phát triển và tăng nhanh đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Đội ngũ doanh nhân đã có những đóng góp to lớn, quan trọng, góp phần bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.

Theo số liệu thống kê, hiện nay Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, có khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã, hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đội ngũ doanh nhân đã lên đến hàng triệu người, đóng vai trò là lực lượng chủ lực trong việc quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp tạo ra hàng hoá, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, xuất khẩu.

Đáng nói tới, chúng ta đã có những doanh nhân lọt vào danh sách “tỷ phú đô-la” của thế giới với những sản phẩm, thương hiệu chiếm lĩnh vị trí cao trên thị trường toàn cầu hiện nay.

Trong hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới” diễn ra vào ngày 11/10, Chủ tịch Phạm Tấn Công nhấn mạnh: “Từ một quốc gia lạc hậu, thuộc nhóm nghèo nhất trên thế giới, chúng ta tự hào khi ngày nay kinh tế Việt Nam đứng trong TOP 40 thế giới về GDP, TOP 20 về quy mô thương mại quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Chưa bao giờ nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay” 

Những thành tự mà chúng ta đạt được mới chỉ là bước đầu. Chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội, mục tiêu và khát vọng để có thể “sánh vai các cường quốc 5 châu”.

Chủ tịch Phạm Tấn Công cũng khẳng định: Để gia nhập, sánh vai với các quốc gia phát triển, ta cần có cả 2 điều: kinh tế phát triển và văn minh xã hội tương xứng, bao gồm cả văn minh, văn hoá kinh doanh. 

Xem thêm: Skoda Auto chính thức gia nhập “đường đua” thị trường ô tô Việt Nam

Giới doanh nhân Việt Nam có sứ mệnh gánh vác một phần quan trọng của 2 nhiệm vụ này. Bên cạnh yêu cầu phát triển của đất nước, đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh có ý nghĩa quan trọng trong từng doanh nhân, doanh nghiệp. 

Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các doanh nghiệp cần phát huy mọi nguồn lực để tồn tại, cạnh tranh thành công. Hiện các doanh nghiệp của các nước phát triển đang phát huy tốt nguồn lực đạo đức, văn hoá kinh doanh. Các yêu cầu về đạo đức kinh doanh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, đang được đề cao. Điều này vừa tạo ra các chuẩn mực mới, vừa tạo hàng rào kỹ thuật để có thể thâm nhập vào thị trường các nước phát triển. 

Hiện nay hàng hoá, dịch vụ của các doanh nghiệp châu Âu, Mỹ, Nhật Bản đang được thị trường trả giá cao hơn, điều này cho thấy giá trị kinh tế, cũng như uy tín trong đạo đức, văn hoá kinh doanh.

Chủ tịch VCCI cũng cho biết ở nước ta, nguồn lực sức mạnh từ đạo đức, văn hoá kinh doanh chưa được quan tâm và phút huy. Nhiều cá nhân kinh doanh phi đạo đức, chỉ quan tâm đến lợi ích riêng, làm tổn thất uy tín của giới doanh nhân. VCCI xác định, xây dựng và thực hành các chuẩn mực đạo đức doanh nhân vừa có ý nghĩa quốc gia, vừa có ý nghĩa với doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ và kế hoạch lâu dài trong xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt trong bối cảnh mới.

Vào tháng 5-2022, VCCI đã công bố và phát động 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam: “Mang đến giá trị kinh tế cho xã hội”; “Tuân thủ pháp luật”; “Minh bạch – công bằng – liêm chính”; “Sáng tạo – hợp tác – cùng phát triển”; “Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường” và cuối cùng là “Yêu nước, có trách nhiệm với gia đình, xã hội”. 

Những quy tắc này được xây dựng trên các giá trị truyền thống của dân tộc, kết hợp với các chuẩn mực đạo đức kinh doanh. Thực hiện bộ quy tắc này sẽ giúp củng cố niềm tin, tăng sự tín nhiệm của xã hội đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Qua đó giúp tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo sức mạnh trong nền hội nhập. Với 200.000 doanh nghiệp hội viên, gần 200 hiệp hội doanh nghiệp thành viên, VCCI tin đây sẽ là cơ sở quan trọng để giúp các quy tắc đạo đức được đi vào cuộc sống.

Tháng 7/2022, VCCI phát động chương trình bình xét trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022”. Chương trình nhằm hướng đến xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh để bình xét danh hiệu. 

Chương trình đã chọn và tôn vinh 60 doanh nghiệp tiêu biểu, trong đó có 10 doanh nghiệp tiêu biểu nhất.

Có thể thấy Việt Nam là 1 thị trường đầy tiềm năng với nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, những chính sách của Đảng và nhà nước trong việc khuyến khích hội nhập, đầu tư phát triển cũng là động lực và cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp có thể tận dụng để phát triển. 

Không chỉ các cá nhân, tổ chức trong nước, đây còn là giai đoạn “vàng” để các Việt kiều từ nước ngoài có thể đầu tư, đẩy mạnh vào thị trường đầy tiềm năng như tại Việt Nam hiện nay.

Bài trướcBuổi họp mặt thân mật những người bạn Séc – Việt
Bài tiếp theoNgày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai 13/10 – “Cảnh báo sớm và hành động sớm cho mọi người”