Ngày 27/9, tại thủ đô Prague của Séc, Đại sứ quán Việt Nam đã phối hợp cùng Phòng Thương mại Séc tổ chức thành công buổi Tọa đàm “Hiệp định EVFTA – Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt-Séc”. Tại buổi tọa đàm, đại sứ Thái Xuân Dũng khẳng định đây là thời điểm thuận lợi để doanh nghiệp của cả 2 nước thúc đẩy các hoạt động hợp tác và đầu tư.
Tham dự sự kiện có Đại sứ Việt Nam tại Czech – ông Thái Xuân Dũng; Đại diện Bộ Công thương Czech – ông Michal Prokop; Đại diện phòng thương mại Czech – ông Petr Stafalus, cùng các doanh nghiệp tiêu biểu của hai nước.
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Thái Xuân Dũng khẳng định, đây là thời điểm thuận lợi để 2 bên có thể thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế-đầu tư, tìm kiếm biện pháp giúp phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Đại sứ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Đại sứ Thái Xuân Dũng phát biểu khai mạc
Mặc dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng sau hai năm có hiệu lực (1/8/2020-1/8/2022), Hiệp định EVFTA đã có những kết quả tích cực. Mối quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và EU nói chung, cũng như với Cộng hòa Czech nói riêng đã và đang có những bước phát triển tốt.
Từ đầu năm 2020 cho đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Séc vẫn đảm bảo sự tăng trưởng ổn định.
Dựa trên số liệu của Cục Thống kê Czech, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Séc năm 2020 đạt 1,51 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2019; Năm 2021 đạt 2,08 tỷ USD, tăng 38% so với năm 2021.Trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt 1,25 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Xem thêm: Dự án “Hỗ trợ thanh niên và trẻ em trong ứng phó với COVID-19” chính thức được khởi động!
Phát biểu tại sự kiện, ông Michal Prokop – đại diện Bộ Công thương Czech cho biết, Việt Nam hiện là đối tác quan trọng của Séc tại châu Á. Sở hữu vị trí địa lý thuận lợi,cũng như là nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu tại Đông Nam Á, Việt Nam hiện có nhiều tiềm năng và cơ hội trong việc hợp tác với những đối tác tại châu Âu và Séc.
Ông Michal Prokop, đại diện Bộ Công thương Séc
Trong thời gian qua đã có rất nhiều doanh nghiệp của Czech thực hiện hợp tác và thành công khi đầu tư về Việt Nam trong các lĩnh vực như khai khoáng, tài chính, du lịch, đồ gia dụng công ty Hydra, tập đoàn Elmi, Homecredit.
Ông Michal Prokop cũng bày tỏ hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Séc có thể được tham gia đấu thầu tại các dự án và chương trình hợp tác giữa hai quốc gia trong thời gian tới.
Ông Petr Stafalus – đại diện Phòng Thương mại Czech cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp hai nước luôn duy trì mối quan hệ tiếp xúc thường xuyên qua việc trao đổi đoàn, cũng như trong những chuyến tháp tùng lãnh đạo cấp cao của hai bên.
Theo ông Stafalus, Phòng Thương mại Czech với hơn 16.000 doanh nghiệp thành viên, đóng góp gần 60% vào GDP của đất nước, đây sẽ là cầu nối cũng như cơ sở vững chắc để doanh nghiệp 2 bên có thể hợp tác với nhau bền vững.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Cơ quan này cũng đưa ra cam kết tiếp tục thúc đẩy kết nối, hỗ trợ tìm kiếm cơ hội những doanh nghiệp Việt có nhu cầu tìm hiểu và đầu tư tại Czech.
Trong buổi tọa đàm, các doanh nghiệp của hai bên cũng thực hiện cập nhật thông tin mới nhất về tổng quan nền kinh tế, tình hình thị trường, đầu tư giữa hai nước; cơ hội để hợp tác, giao thương nhằm thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Séc nhằm tận dụng các lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại.
Thực hiện thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Séc là trọng tâm đối với công tác ngoại giao kinh tế của Đại sứ quán Việt Nam tại Séc.
Mong muốn của các doanh nghiệp Việt – Séc
Trong buổi tọa đàm, Bà Nguyễn Thị Thanh Loan – Phó Ban Hội nhập Quốc tế, Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ cho cộng đồng doanh nghiệp của hai nước.
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan – Phó Ban Hội nhập Quốc tế, Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ Việt Nam phát biểu
Séc được biết tới với những sản phẩm pha lê cao cấp, trong khi đó Việt Nam có sản phẩm gốm sứ với chất lượng tốt. Vì thế và Loan mong muốn 2 nước có thể giao thương giữa hai mặt hàng này.
Ông Trịnh Hoài Đức – Giám đốc kinh doanh của công ty Bateka Việt Nam cho biết việc tham dự diễn đàn giúp ông có cơ hội được gặp gỡ thêm nhiều doanh nghiệp Việt và Séc. Từ đó tìm kiếm cơ hội và thông tin để tăng cường thêm sự hợp tác giữa các doanh nghiệp tại Séc và Việt Nam.
Công ty Bateka Việt Nam là doanh nghiệp phân phối các mặt hàng của Việt Nam như: Bún, phở, mì, nông sản, gạo, trà, cafe,… đảm bảo đạt các tiêu chuẩn khắt khe của châu Âu. Đơn vị cũng đang thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác, phân phối, trao đổi hàng hóa giữa cả 2 nước, nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác cùng nhau phát triển giữa 2 quốc gia.
Đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam sang tham dự diễn đàn TS. Luận Thùy Dương – Phó Ban Hội nhập Quốc tế, Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, đây là sự kiện thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bộ Công Thương Séc, các doanh nghiệp Séc dành cho Việt Nam. Bà cũng cho biết thị trường Séc vô cùng tiềm năng, đặc biệt về lĩnh vực may mặc, công nghiệp… Bà cũng chỉ ra còn nhiều nội dung cần được hai bên làm rõ và trao đổi nhằm tiến đến hợp tác toàn diện và hiệu quả hơn.
Đại sứ Thái Xuân Dũng và Tiến Sĩ Luận Thùy Dương
Tọa đàm “Hiệp định EVFTA – Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt-Séc” đã được tổ chức thành công dựa trên Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư ngày 10/8/2022 về vấn đề thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế, phát triển đất nước đến năm 2030.