Dịch Covid-19 dường như đã phơi bày những góc khuất trong nhân cách con người và đẩy xã hội tới hỗn loạn. Những gian hàng trống trải, những status Facebook chua chát, những cái khẩu trang tự may chưa dùng đã hỏng. Chúng ta đều đã biết nên làm gì để bảo vệ bản thân khỏi virus. Vậy 5 việc không nên làm trong mùa dịch là gì?
1. Đừng bi quan, gây hoang mang
Một trong những thói quen thường gặp trong mùa dịch là ngồi đếm số ca nhiễm, ca tử vong tăng lên. Tìm hiểu thông tin là tốt, nhưng lấy thông tin này “khủng bố tinh thần” bản thân và người khác thì không tốt.
Chúng ta đều biết tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19. Dĩ nhiên số ca nhiễm sẽ tăng, nhưng cũng phải nhìn nó trong bối cảnh số ca xét nghiệm, bình phục, xuất viện, và so sánh với các nước xung quanh. Chắc hẳn chính phủ bạn cũng đang có những biện pháp phòng ngừa. Xin đừng lấy những con số ra “hù dọa” cộng đồng.
Ví dụ như hôm nay (22/03), Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Séc có nhận định là số ca nhiễm đang trên đà giảm, hi vọng Séc sẽ không lặp lại kịch bản của Italy. Nghĩa là ông công nhận là dịch bệnh đang lây lan, nhưng cũng lạc quan đánh giá là tốc độ đã chậm lại.
Thay vì lo lắng, đau đầu vì những con số tăng lên vùn vụt, hãy suy nghĩ làm thế nào bạn có thể dùng thời gian làm việc có ích, hay giúp đỡ những người xung quanh. Thay vì đăng status “EU toang rồi” hay “Châu âu thất thủ”, hãy tập thể dục, bổ sung vitamin, cải thiện sức khỏe bản thân và gia đình.
2. Đừng chia sẻ thông tin không rõ nguồn gốc
Đài truyền hình Việt Nam đã nhiều lần phản ánh tình trạng tin giả. Những thông tin sai lệch về dịch bệnh lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Chúng gây hoang mang dư luận, tạo áp lực cho chính quyền và bệnh viện trong công tác xử lý dịch bệnh.
Hậu quả của thông tin sai là gì? Người dân hoảng loạn, căng thẳng. Dân mạng thì người chửi lấy được, người sáng tác thơ than trời đất, người truyền bá các thuyết âm mưu như kịch bản phim hành động Hollywood. Chính phủ, bệnh viện, truyền thông thì ra sức giải thích, trình bày minh bạch hết sức có thể về tình hình hiện tại.
Nếu bạn thực sự muốn cập nhật tin tức về dịch Corona, hạn chế đọc các bài viết trên Facebook, mà theo dõi các trang thông tin chính thống. Trong tương lai gần, chính phủ sẽ thiết lập một đường dây nóng nói tiếng Việt dành riêng để giải đáp thắc mắc về dịch Covid-19 cho người Việt Nam:
- Bộ Y Tế Cộng hòa Séc (chọn ngôn ngữ Tiếng Việt, Séc, Anh)
- Viện Y Tế thủ đô Praha
- Chính phủ Cộng hòa Séc
3. Đừng tranh giành, mua sạch hàng hóa
Sự hoảng loạn có thể bị ảnh hưởng chính từ những bài viết “khủng bố tinh thần” trên mạng xã hội như đã đề cập.
Dịch bệnh mới “ngấp nghé” ở biên giới, dân tình đã đổ xô đi mua các nhu yếu phẩm, từ gạo, mỳ, đồ hộp đến giấy vệ sinh, thậm chí mua súng?
Việc mua sạch hàng hóa, tích trữ thật nhiều cho bản thân và gia đình tạo cho nhiều người cảm giác an toàn. Họ không tin vào các biện pháp xử lý của chính quyền, không biết bao giờ mới hết cách li, mới có thể đi học đi làm bình thường. Nên họ lao vào mua sắm và tích cực “làm gì đó” để nắm kiểm soát tình hình.
Hệ quả là những kệ hàng trống huếch hoác, những giỏ hàng chất ngất cao hơn đầu người, và những hàng dài ở quầy tính tiền.
Đây là những hành động rất ích kỷ. Những người đến sau, đặc biệt là người già yếu (nhóm người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất) thì lại hết hàng để mua. Người thì thừa, kẻ lại thiếu.
4. Đừng tích trữ số lượng lớn khẩu trang y tế, dung dịch khử trùng
Hiện nay, nhóm người cần dung dịch khử trùng và khẩu trang y tế nhất là các nhân viên làm việc trong tình trạng khẩn cấp (IZS) như các y bác sĩ, quân đội, cảnh sát, và cứu hỏa.
Nếu bạn chỉ mua cho bản thân và gia đình, hãy mua đủ dùng và để dành các thiết bị đặc dụng này cho những người thực sự cần.
5. Đừng tùy tiện may khẩu trang để ủng hộ cho bệnh viện
Hưởng ứng phong trào “Đội may khẩu trang ủng hộ tại Séc của Làm Cha Mẹ CZ z.s.“, rất nhiều gia đình Việt Nam đang ngày đêm may khẩu trang để ủng hộ cho các bệnh viện. Nhưng mọi người chú ý may theo đúng quy định. Kích cỡ 20 x 20 cm. Vải Bavlna.
Nếu các bạn may khẩu trang cho cá nhân, gia đình, hàng xóm dùng thì có thể thay đổi loại vải, cách may. Nhưng đã may cho bệnh viện, nghĩa là may cho bác sĩ, y tá dùng, thì phải theo quy định. Không thể tùy tiện may. May sai chỉ dẫn, khẩu trang bị khử trùng sẽ hỏng, không dùng được, hoặc dùng không hiệu quả, gây nguy hiểm cho các y bác sĩ.
Chủ tịch “Làm Cha Mẹ CZ” Vương Thúy An thông báo, “Chú ý tặng vào viện phải may đúng vải, đúng mẫu. Nhiều nơi họ bắt đầu phàn nàn về việc khử trùng 90 độ xong bị hỏng. Hãy bình tĩnh! Làm chậm và chuẩn! Vì nếu không là sẽ mất việc, mất công, mất thời gian và mất cả uy tín nữa.”