Hội thảo quốc tế KRATOM 360° với chủ đề “Thị trường, quy định và khoa học” đã diễn ra tại thủ đô Praha (Cộng hòa Séc), đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc thảo luận về mô hình quản lý các chất tác động thần kinh (psychoactive substances) một cách có trách nhiệm. Sự kiện được tổ chức dưới sự bảo trợ của tổ chức Think tank Racionální politiky závislostí (Chính sách hợp lý về phụ thuộc) phối hợp cùng Viện pháp luật châu Âu mới thành lập, quy tụ hàng trăm chuyên gia đến từ các lĩnh vực y tế, dược phẩm, pháp lý, chính trị và xã hội dân sự.
Tâm điểm của hội thảo là việc chia sẻ kinh nghiệm về quá trình hình thành khung pháp lý mới cho sản phẩm kratom – một loại cây có nguồn gốc từ Đông Nam Á, vốn đang được quan tâm tại nhiều quốc gia bởi đặc tính kích thích nhẹ và giảm đau. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng đánh giá kratom là chất có mức độ rủi ro thấp và không cần phải cấm. Tuy nhiên, do thiếu công cụ kiểm soát phù hợp, nhiều quốc gia vẫn chọn cách cấm đoán. Cộng hòa Séc đã đi theo hướng ngược lại khi trở thành một trong những nước tiên phong thiết lập khuôn khổ quản lý riêng biệt với danh mục “Chất điều hòa tâm thần” (psychomodulační látky) – nằm giữa thực phẩm và thuốc, với quy định cụ thể về độ tuổi, chất lượng, ghi nhãn và giám sát.
Theo ông Jindřich Vobořil, Chủ tịch Hội đồng quản trị Think tank, cách tiếp cận của Séc là minh chứng rõ ràng cho mô hình quản lý dựa trên bằng chứng khoa học thay vì tư duy cấm đoán lỗi thời. “Kratom có thể trở thành ví dụ điển hình cho cách một chất gây tranh cãi được quản lý minh bạch, cân bằng giữa lợi ích sức khỏe cộng đồng và nhu cầu thị trường,” ông nhấn mạnh.

Việt Nam có đại diện, đóng góp tiếng nói thiết thực
Đáng chú ý, hội thảo năm nay còn có sự góp mặt của đại diện các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Mỹ và Việt Nam, nơi kratom vẫn được tiêu thụ trong một số cộng đồng nhỏ lẻ, chủ yếu qua các sản phẩm nhập khẩu hoặc trong giới tiểu thương.
Anh Nguyễn Mạnh Tùng, doanh nhân và đại diện Trung tâm giáo dục Séc Việt, đã có bài phát biểu gây chú ý. Anh chia sẻ:
“Tôi rất vui vì cộng đồng người Việt cũng có tiếng nói trong một sự kiện quan trọng như vậy. Vấn đề không nằm ở cộng đồng mà ở chỗ thiếu thông tin và thiếu kênh đối thoại hiệu quả. Tôi đã nói về chủ đề kratom và những tác động đến các hộ kinh doanh nhỏ trong cộng đồng Việt suốt nhiều năm.”
“Thay vì đổ lỗi, chúng ta cần đối thoại cởi mở, truyền thông rõ ràng và hỗ trợ những người muốn kinh doanh hợp pháp, có đạo đức. Hội thảo lần này chứng minh rằng quy định không nhất thiết phải là lệnh cấm, mà là cách tiếp cận thông minh hơn. Tôi cảm ơn ban tổ chức đã mời tôi tham gia và tạo điều kiện để cộng đồng Việt Nam đóng góp vào cuộc thảo luận.”


Anh Tùng đồng thời là người sáng lập Trung tâm giáo dục Séc Việt – một tổ chính phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực kết nối giáo dục, y tế và hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Séc trong việc hội nhập và tiếp cận thông tin chính sách.
Tiếp cận khoa học, hợp tác quốc tế và trách nhiệm xã hội
Bà Vladěna Sobasová, đại diện Viện pháp luật châu Âu, nhấn mạnh: “Mô hình quản lý kratom ở Séc đang tạo ra sự quan tâm lớn từ các nước châu Âu khác. Điều đặc biệt là chúng tôi đã thành công trong việc kết nối doanh nghiệp, chuyên gia và xã hội dân sự hướng tới trách nhiệm xã hội. Ngành công nghiệp tự nguyện đóng góp vào các chiến dịch truyền thông, giáo dục cộng đồng và dự phòng rủi ro.”
Đại diện Bộ Y tế Thái Lan, ông Kosit Suvinijjit, chia sẻ kinh nghiệm của Thái Lan: “Kratom được quản lý như một loại dược liệu truyền thống, chủ yếu bán tại nhà thuốc và được sử dụng từ hàng nghìn năm qua trong lao động nặng nhọc như thu hoạch lúa. Chính phủ Thái Lan cũng đang khuyến khích nghiên cứu công dụng chữa bệnh tiềm năng như hỗ trợ điều trị tiểu đường.”
Bà Renáta Zajíčková, Nghị sĩ Quốc hội Séc, đồng thời là hiệu trưởng một trường trung học, đánh giá cao luật điều chỉnh mới và cho rằng: “Không có luật nào có thể bảo vệ con cái chúng ta tuyệt đối, nhưng nếu có khung pháp lý hợp lý, chúng ta có thể giúp thế hệ trẻ hiểu rõ rủi ro và đưa ra lựa chọn có trách nhiệm.”

Từ hội thảo đến chính sách thực tiễn
KRATOM 360° là diễn đàn đầu tiên quy tụ các bên liên quan để xây dựng nền tảng hợp tác quốc tế về chính sách điều tiết các chất tác động thần kinh. Các khuyến nghị của hội thảo đều nhấn mạnh: quy định pháp lý cần song hành với ngân sách cho giáo dục, dự phòng và các chương trình hỗ trợ giảm hại (harm reduction).
Hội thảo cũng mở ra hy vọng rằng cách tiếp cận từ Séc sẽ trở thành hình mẫu để các quốc gia khác cân nhắc thay đổi chính sách, thay vì duy trì cách làm cũ kém hiệu quả – vừa không bảo vệ được người tiêu dùng, vừa tiếp tay cho thị trường chợ đen.