Trang chủ Cộng đồng Phái Đoàn Cộng Hòa Séc Đẩy Mạnh Hợp Tác Môi Trường Tại...

Phái Đoàn Cộng Hòa Séc Đẩy Mạnh Hợp Tác Môi Trường Tại Hải Phòng

Quảng cáo

Ngày 5/12/2024, phái đoàn Cộng hòa Séc do Bộ Môi trường tổ chức cùng sự tham gia của Đại sứ Hynek Kmoníček đã có chuyến làm việc tại Hải Phòng và đảo Cát Bà nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường giữa Séc và Việt Nam. Chuyến công tác là một phần của chương trình PROPED, với mục tiêu đưa ra các giải pháp bền vững cho những thách thức môi trường hiện nay.

Trong khuôn khổ hợp tác quốc tế về môi trường, nhiều cá nhân và tổ chức từ Cộng hòa Séc đã tham gia vào các dự án phát triển bền vững và bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Dưới đây là một số thông tin đáng chú ý về các đơn vị và cá nhân tham gia vào các hoạt động này.

Quảng cáo

Ông David Surý, Tổng Vụ trưởng, hàm Thứ trưởng phụ trách Bảo vệ Môi trường thuộc Bộ Môi trường Cộng hòa Séc, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các chính sách và điều hành các hoạt động liên quan đến bảo tồn thiên nhiên và môi trường. Dưới sự lãnh đạo của ông, Bộ Môi trường đã không ngừng thúc đẩy các sáng kiến hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường.

Bà Alena Doeringông Josef Beneš, đều là thành viên của Bộ Môi trường Séc. Trong đó, bà Doering làm việc tại Vụ Hợp tác Quốc tế, tập trung vào việc kết nối và thúc đẩy các quan hệ hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế về môi trường. Cả hai đều có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan để triển khai các dự án bảo vệ môi trường.

Ông Daniel Safar, đại diện cho Công ty Cổ phần Asekol, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên thu hồi và tái chế thiết bị điện tử tại Cộng hòa Séc. Asekol cam kết giảm lãng phí tài nguyên, đồng thời tái chế thân thiện với môi trường để đưa vật liệu trở lại sản xuất, qua đó khép kín vòng đời sản phẩm và đảm bảo trách nhiệm xã hội của các nhà sản xuất.

Cũng trong lĩnh vực tái chế, ông Lubomir Janda từ Công ty Cổ phần Ekokom đã giới thiệu về hệ thống phân loại và tái chế rác thải bao bì trên toàn quốc của Séc. Được thành lập từ năm 1997, Ekokom đặt mục tiêu nâng cao tiêu chuẩn tái chế tại châu Âu và đảm bảo sự bền vững trong quản lý rác thải.

Trong ngành công nghiệp và sản xuất, ông Tomáš Krajča từ Công ty Elkoplast CZ đã trình bày các giải pháp sử dụng sản phẩm nhựa và kim loại cho mục đích công nghiệp và đô thị, bao gồm thùng rác, thùng tái chế và các sản phẩm tùy chỉnh khác. Công ty cam kết cung cấp các sản phẩm thân thiện với môi trường và phục vụ cả thị trường trong nước và quốc tế.

Đại học Tomáš Bata tại Zlín, với sự đại diện của ông Vladimír Sedlaříkbà Zuzana Tučková, đã giới thiệu các nghiên cứu tiên tiến trong lĩnh vực quản lý khủng hoảng, chuyển đổi sinh thái, và kinh tế tuần hoàn. Trường mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế để ứng dụng các giải pháp bền vững trong thực tiễn.

Ông Pavel Hušek, đại diện Cơ quan Thông tin Môi trường Séc (CENIA), đã chia sẻ về vai trò của trung tâm trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu và nghiên cứu hỗ trợ chính quyền và các tổ chức trong lĩnh vực xử lý chất thải, bảo vệ tài nguyên nước và không khí, cũng như phát triển các hệ thống thông tin môi trường hiện đại.

Cuối cùng, ông Nguyễn Mạnh Tùng, từ Công ty CZECH VIỆT, một doanh nghiệp gốc Việt tại Séc, chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến môi trường và phát triển bền vững. Đồng thời ông còn là Chủ tịch phòng đối ngoại với Việt Nam thuộc phòng Thương mại Séc, đồng thời ông là người đồng sáng lập Hiệp hội các nhà đầu tư vừa và nhỏ ASMI

Sự phối hợp của các đơn vị và cá nhân này đã góp phần thúc đẩy các hoạt động hợp tác môi trường giữa Cộng hòa Séc và Việt Nam, đồng thời mang đến các giải pháp sáng tạo, hiệu quả và thân thiện với môi trường cho cả hai quốc gia.

Tại Hải Phòng, đoàn đã có buổi làm việc với Công ty Môi trường Đô thị Hải Phòng (Urenco Hải Phòng), nơi đang thực hiện các hoạt động xử lý chất thải đô thị. Chuyến thăm không chỉ giúp phái đoàn tìm hiểu thực trạng công tác xử lý rác thải tại địa phương mà còn là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến từ các doanh nghiệp Séc. Đại sứ Hynek Kmoníček nhấn mạnh rằng các công ty Séc không chỉ sẵn sàng cung cấp giải pháp kỹ thuật mà còn chia sẻ kinh nghiệm làm việc với chính quyền, một yếu tố quan trọng để triển khai các dự án môi trường hiệu quả.

Buổi làm việc tại Urenco Hải Phòngcủa Đại sứ Séc cùng phái đoàn doanh nghiệp (photo : Hải Nguyễn )

Sau buổi làm việc tại Urenco Hải Phòng, phái đoàn tiếp tục hành trình đến đảo Cát Bà, nơi nổi tiếng với hệ sinh thái đa dạng và là điểm nhấn quan trọng trong nỗ lực bảo vệ môi trường của Việt Nam. Tại đây, đoàn đã có cuộc gặp gỡ với ban lãnh đạo Vườn quốc gia Cát Bà để thảo luận về các biện pháp bảo tồn và giảm thiểu ô nhiễm. Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với những vấn đề môi trường cấp bách, chuyến thăm của phái đoàn Séc mang ý nghĩa quan trọng khi hai bên cùng tìm kiếm các giải pháp nhằm phát triển bền vững.

Buổi tối, phái đoàn đã tham dự tiệc làm việc tại Lãnh sự danh dự của Séc trên đảo Cát Bà cùng với thị trưởng địa phương. Cuộc thảo luận tập trung vào các dự án hợp tác cụ thể như giảm thiểu rác thải nhựa, xây dựng hệ thống tái chế toàn diện và ứng dụng công nghệ tiên tiến của Séc vào thực tiễn tại Việt Nam. Thị trưởng đảo Cát Bà bày tỏ kỳ vọng lớn vào sự hỗ trợ từ phía Séc, đồng thời cam kết tạo điều kiện thuận lợi để các dự án môi trường đạt hiệu quả cao nhất.

Trong một bài phỏng vấn trước đó, Đại sứ Hynek Kmoníček đã nhấn mạnh rằng sự hợp tác giữa Séc và Việt Nam không chỉ nằm ở việc cung cấp công nghệ mà còn là chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng các giải pháp đồng bộ nhằm bảo vệ môi trường. Các dự án được đề xuất trong chuyến làm việc lần này bao gồm giảm rác thải nhựa, tái chế toàn diện và đổi mới công nghệ xử lý chất thải. Đây là những bước tiến quan trọng nhằm hướng tới một Việt Nam xanh hơn và bền vững hơn.

Chuyến làm việc đã khép lại với nhiều kỳ vọng lớn về sự hợp tác bền chặt giữa hai quốc gia trong lĩnh vực môi trường. Những kết quả từ chuyến thăm không chỉ đánh dấu sự thành công của chương trình PROPED mà còn mở ra cơ hội lớn cho các dự án hợp tác môi trường trong tương lai giữa Cộng hòa Séc và Việt Nam.

Hình ảnh chuyến làm việc tại Hải Phòng :

Đại sứ Hynek Kmoníček cùng phái đoàn Bộ Môi Trường Séc thăm quan khu xử lý chất thải (photo : Hải Nguyễn )
Phái đoàn cùng các doanh nghiệp sẽ hợp tác trong thời gian tới (photo : Hải Nguyễn )
(photo : Hải Nguyễn )
(photo : Hải Nguyễn )
Đại sứ Séc cùng phái đoàn Bộ Môi Trường Séc chụp ảnh lưu niệm cùng công ty Urenco Hải Phòng (photo : Hải Nguyễn )
Bài trướcNhững Thay Đổi và Luật Mới Có Hiệu Lực Từ Năm 2025 Tại Slovakia
Bài tiếp theoThúc đẩy hợp tác Séc – Việt trong lĩnh vực Môi trường Thủ đô Hà Nội