Trong đại dịch Covid-19, người Việt đã may khẩu trang, trao tặng hiện vật, trang bị bảo hộ và tiền mặt trị giá hơn 5 tỷ đồng cho các cơ quan công quyền, bệnh viện, nhà dưỡng lão ở Czech.
“Cộng đồng người Việt hội nhập tốt vào xã hội Czech” là đánh giá của ông Jiří Knitl – Chủ tịch Ủy ban Dân tộc thiểu số thành phố Prague, trong chuyến thăm Trung tâm Thương mại Sapa và làm việc với lãnh đạo Hội người Việt Nam hôm 20/7 vừa qua.
Lời nhận xét trên đã biểu hiện sự trân trọng và quan tâm đối với cộng đồng người Việt Nam, bởi ông Knitl dù mới đảm nhiệm vị trí không lâu, đã dẫn đầu đoàn Ủy ban dân tộc thiểu số thủ đô Prague gồm ông Jiří Koubek – Phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc thiểu số thành phố Praha và là Thị trưởng Praha-Libuš, lãnh đạo Phòng Dân tộc thiểu số – bà Jana Hajná và Thư ký Ủy ban – bà Dana Gregorová gặp gỡ với lãnh đạo cộng đồng người Việt tại “Hà Nội nhỏ” ở Prague.
Tham dự cuộc gặp về phía lãnh đạo cộng đồng người Việt có ông Hoàng Đình Thắng – Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, Chủ tịch danh dự Hội người Việt Nam tại Czech, ông Nguyễn Duy Nhiên – Chủ tịch, cùng các ông Giang Thành – Phó Chủ tịch thứ nhất và ông Vũ Hữu Nam – Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Czech.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Knitl đánh giá cao cộng đồng người Việt, cũng như đại diện của cộng đồng người Việt trong Ủy ban. Ông nói: “Người Việt đã hội nhập tốt, dù sinh sống chưa lâu ở đây. Điều gây ngạc nhiên lớn nhất là khả năng hành động của cộng đồng trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Họ ngay lập tức khởi đầu hoạt động như một cộng đồng với nhận thức thuộc về xã hội Czech, coi cuộc khủng hoảng không chỉ là vấn đề của đa số người Czech, mà cũng là của họ. Nguồn cảm hứng xuất phát từ Việt Nam, nơi dịch bệnh xảy ra sớm hơn, vì vậy có kinh nghiệm về khẩu trang và các biện pháp phòng bị”.
Theo ông Knitl, trên thực tế, cộng đồng người Việt đã không bó hẹp, mà còn hỗ trợ thiết thực qua các hội đoàn ở địa phương để may khẩu trang và phân phát cho cộng đồng. Ông khẳng định: “Tôi rất vui khi đề cập đến việc này trên mạng xã hội, rằng thực chất cộng đồng người thiểu số Việt Nam đã hành động theo cách này. Qua buổi gặp, tôi vui mừng nói lên mong muốn được tiếp tục làm việc cùng nhau để bất cứ khi nào cộng đồng người Việt cần, tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ”.
Đại diện lãnh đạo cộng đồng người Việt, ông Nguyễn Duy Nhiên đã giới thiệu về Hội người Việt Nam và cộng đồng người Việt tại Czech. Ông cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại Czech có khoảng 50 chi hội trên toàn quốc và là dân tộc thiểu số có số lượng đông chỉ sau người Slovakia và Ukraine.
Ông Nhiên khẳng định: “Trong đại dịch Covid-19, người Việt đã may khẩu trang, trao tặng hiện vật, trang bị bảo hộ và tiền mặt trị giá khoảng 5 triệu Korun (hơn 5 tỷ đồng Việt Nam) cho các cơ quan công quyền, bệnh viện, nhà dưỡng lão… Cộng đồng người Việt Nam coi Czech là quê hương thứ hai của mình và đang đóng góp vào sự phát triển văn hóa, kinh tế ở Czech, cũng như hợp tác nhiều hơn với ủy ban để có thể hội nhập tốt vào xã hội sở tại và tăng cường tình hữu nghị”.
Ông Jiří Koubek, Thị trưởng Praha-Libuš, nơi có Trung tâm Thương mại Sapa, vui mừng bày tỏ: “Tôi đã làm thị trưởng ở đây được 10 năm. Đó là 10 năm hợp tác tốt đẹp và mối quan hệ với người Việt Nam chưa bao giờ tốt hơn. Điều đặc biệt trong năm nay khi bùng phát dịch Covid-19, chúng tôi bị bất ngờ nhưng các bạn đã ngay lập tức nhanh chóng giúp đỡ”.
Cũng theo Thị trưởng Praha-Libuš, doanh nghiệp do người Việt Nam làm chủ đã cung cấp thiết bị bảo hộ để chuyển tới cảnh sát, lính cứu hỏa, y tá, nhân viên văn phòng, cũng như hướng dẫn phụ nữ Czech may khẩu trang và đồ bảo hộ.
Ông Koubek cũng cho biết, các hoạt động của cộng đồng người Việt trong 4 tháng qua đã được Tổng thống Czech đánh giá cao. Tại các cửa hàng thực phẩm của người Việt, đồ ăn nhẹ được cung cấp miễn phí cho lực lượng cứu hộ, với suy nghĩ đơn giản là nhận thấy cần phải hỗ trợ họ trong hoàn cảnh khó khăn này.
Thế hệ trẻ Việt Nam lớn lên ở Czech đã giúp giải tỏa cho những người Czech có định kiến hoặc không hiểu người Việt. Ngày nay, ở mỗi trường học, trong mỗi lớp học nếu có học sinh đến từ Việt Nam thì đều hòa đồng vui vẻ cùng nhau.
Ông Nguyễn Viết Cường, thành viên của Ủy ban Dân tộc thiểu số Praha đã giới thiệu với đoàn về Trung tâm Thương mại Sapa – nơi không đơn thuần là địa điểm buôn bán mà còn là trung tâm văn hóa và hoạt động cộng đồng dành cho người Việt và cả người Czech. Các thành viên của đoàn cũng đã hiểu thêm về văn hóa Việt, việc kinh doanh và cuộc sống của người Việt tại đây cũng như thưởng thức ẩm thực Việt Nam.
Hiện Ủy ban Dân tộc thiểu số thành phố Prague có 17 đại diện cho các dân tộc. Tại các tỉnh và thành phố ở Czech, luôn có đại diện người Việt trong Ủy ban Dân tộc thiểu số. Họ luôn giữ vai trò tích cực, là cầu nối để gắn bó chính quyền sở tại với cộng đồng người Việt ở địa phương trong các hoạt động hội nhập vào xã hội Czech.
Nguồn: VietnamPlus