Với 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang thực thi và đàm phán, Việt Nam trở thành tâm điểm của mạng lưới khu vực thương mại tự do rộng lớn, chiếm 59% dân số thế giới và 68% thương mại toàn cầu.
Suốt chặng đường 75 năm xây dựng đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần không nhỏ để duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm của nền kinh tế.
Không dừng lại ở đó, hội nhập kinh tế quốc tế còn được ví như sức mạnh tổng hợp của quốc gia giúp nâng cao sức cạnh tranh và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Khẳng định vị thế
Kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 năm 1945 đến nay, hội nhập quốc tế đã trở thành xu thế chung. Chính vì vậy, ngay sau khi giành được độc lập thống nhất đất nước, Việt Nam đã tập trung mở rộng quan hệ hội nhập quốc tế, nhất là từ sau giai đoạn đổi mới 1986 đến nay.
Nếu như giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4%, đến năm 2019 con số này đã đạt 7,02%, quy mô nền kinh tế đạt hơn 262 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đã lên gần 2.800 USD.
Đáng lưu ý, danh sách do Forbes Asia 2019 công bố, trong 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có tới 7 doanh nghiệp của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam còn xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018.
Đặc biệt, hội nhập kinh tế cũng đưa Việt Nam trở thành một “mắt xích” quan trọng trong mạng lưới liên kết kinh tế với các nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy tính đến năm 2019, Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia của Liên hợp quốc; có quan hệ kinh tế-thương mại và đầu tư với trên 224 nước và vùng lãnh thổ; có 16 đối tác chiến lược, 11 đối tác chiến lược toàn diện; 71 nước đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.
Theo các chuyên gia thương mại, điểm sáng của thành tựu hội nhập kinh tế quốc tế là thúc đẩy ký kết, phê chuẩn và triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 thúc đẩy triển khai Cộng đồng kinh tế ASEAN và liên kết kinh tế giữa ASEAN với các đối tác.
Cùng với đó, Việt Nam chủ động tham gia, đóng góp tích cực tại các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), hợp tác tiểu vùng Mekong…
Với 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang thực thi và đàm phán, Việt Nam trở thành tâm điểm của mạng lưới khu vực thương mại tự do rộng lớn, chiếm 59% dân số thế giới và 68% thương mại toàn cầu, góp phần gia tăng đan xen lợi ích của Việt Nam với hầu hết các đối tác hàng đầu khu vực và thế giới.
Tận dụng thời cơ
Chia sẻ về tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế thuộc Bộ Công Thương, nhấn mạnh kể từ khi Việt Nam tham gia WTO đến nay, GDP của Việt Nam đã tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%, độ mở của nền kinh tế liên tục tăng, năm ngoái tăng trên 200%.
Do đó, hội nhập kinh tế quốc tế thực chất là chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với tình hình quốc tế, phù hợp với các định chế kinh tế thương mại song phương và đa phương; cùng nhau tuân thủ các cam kết để giải quyết vấn đề thị trường, hàng hóa và dịch vụ, làm cho các thị trường hoạt động có trật tự, giúp giảm thiểu các hành động “bóp méo” thương mại, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định và bền vững.
Đồng thời, giúp đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào các thị trường nguyên liệu truyền thống.Công nhân Công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG sản xuất hàng dệt may xuất khẩu.
Nguồn: TTXVN/Vietnam+