Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Cộng hoà Séc Petr Fiala tiến hành chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20 – 22/4/2023. Đây là chuyến công du châu Á đầu tiên của Thủ tướng Petr Fiala kể từ khi nhậm chức cuối năm 2021 và là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Séc đến Việt Nam trong 15 năm qua.
Cộng hòa Séc là quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh và ổn định ở Đông Âu. Vốn có sẵn những cơ sở công nghiệp từ thế kỉ 19, nền công nghiệp Séc có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển. Các ngành công nghiệp chính là sản xuất ô tô, luyện kim, khai mỏ, chế tạo máy, thiết bị điện tử, phương tiện giao thông, hóa dầu, xây dựng nhà máy nhiệt điện và thủy điện, sản xuất đầu máy xe lửa, xử lý môi trường, dệt may, hóa chất, dược phẩm, thiết bị y tế, chế biến thực phẩm, gốm sứ, bia và pha lê.
Từ năm 1990, Cộng hòa Séc tập trung mở cửa, tư nhân hoá và cơ cấu lại nền kinh tế. Thời kỳ 1993-1996, kinh tế tăng trưởng khá (GDP năm 1996 tăng 4,8%). Giai đoạn 1997-1999, do tư nhân hoá ồ ạt nhưng chậm thay đổi công nghệ, cơ cấu kinh tế không vững chắc, nguồn lực bị phân tán nên kinh tế Cộng hòa Séc bị suy thoái. Từ năm 2000, kinh tế Cộng hòa Séc bắt đầu hồi phục. Việc Séc gia nhập EU (01/05/2004) đã tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư và chuyển đổi cơ cấu. GDP tăng trưởng 3,5-4 %/năm, thu hút khoảng 5 tỷ USD vốn FDI/năm. Giai đoạn 2005-2007, GDP tăng trưởng trung bình 6%/năm. Giai đoạn 2008-2013, Séc bị ảnh hưởng nặng bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu và từ năm 2013 đến nay kinh tế phục hồi nhờ xuất khẩu. Từ năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tình hình xung đột tại Ukraine, kinh tế Séc tăng trưởng chậm, lạm phát tăng cao.
Trọng tâm chính sách đối ngoại của Cộng hòa Séc hiện nay là tăng cường hội nhập EU, chú trọng phát triển quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong nhóm Visegrad V4, các nước lớn trong EU. Là đồng minh của Mỹ, Séc chú trọng quan hệ với Mỹ. Tại châu Á, Séc ưu tiên quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và một số nước bạn truyền thống, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam và Cộng hòa Séc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 2/2/1950. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao cho đến nay, Séc luôn thực hiện chính sách phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực.
Hai bên duy trì tiếp xúc thường xuyên ở các cấp, theo hình thức cả trực tiếp và trực tuyến. Gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Thủ tướng Séc Petr Fiala bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN–EU (tháng 12/2022); trước đó tháng 8/2021, Thủ tướng hai nước đã điện đàm.
Hai nước đã ký kết 14 hiệp định hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, như Hiệp định liên Chính phủ về sự làm việc tương hỗ của công dân hai nước; Hiệp định về thương mại; Hiệp định về thanh toán và trả nợ song phương; Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư; Hiệp định về vận chuyển hàng không; Hiệp định về tránh đánh thuế trùng; Hiệp định về hợp tác kinh tế…
Bên cạnh đó, hai nước luôn phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực. Séc ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; đồng thời ủng hộ việc ký và là một trong những quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA). Về hợp tác an ninh-quốc phòng, hai bên đã ký Bản ghi nhớ quốc phòng từ năm 2012.
Hiện nay, nền kinh tế của Việt Nam và Séc đang phát triển với nhịp độ cao và cùng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực. Điều đó đã tạo cơ hội thuận lợi cho phát triển hợp tác song phương về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Thương mại giữa hai nước những năm gần đây có tăng trưởng nhưng còn khiêm tốn so với tiềm năng. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 848 triệu USD (tăng 15% so với năm 2021).
Việt Nam xuất khẩu sang Séc các mặt hàng như: cà phê, hạt tiêu, hoa quả tươi – khô, lạc, chè, gạo, cao su, hải sản, giày dép, hàng dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, linh kiện vi tính… Việt Nam nhập khẩu từ Séc: hàng điện tử, máy móc, hóa chất, hàng may mặc, sợi dệt vải, hàng da, máy móc thiết bị, sữa và các sản phẩm từ sữa, dược phẩm, các sản phẩm cơ khí, chất dẻo, sản phẩm thủy tinh… Séc coi Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên về hợp tác kinh tế ngoài EU.
Năm 1998, Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế – thương mại giữa hai nước được thành lập. Sau khi Séc gia nhập EU, hai bên đã thành lập mới Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế dựa trên Hiệp định Hợp tác kinh tế ký năm 2006. Năm 2022 hai bên đã họp khóa 7 Ủy ban liên Chính phủ tại Praha, Séc. Tại khóa họp này, Séc đã nêu mong muốn được trở thành đối tác toàn diện hoặc đối tác chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế (được ghi vào Biên bản khóa họp).
Về đầu tư, Séc có 41 dự án FDI tại Việt Nam với tổng số vốn 92 triệu USD, tập trung chủ yếu trong ngành chế biến, chế tạo, khai khoáng. Các lĩnh vực hợp tác đầu tư có thế mạnh của Séc là năng lượng, đầu máy – toa xe lửa, xe buýt, tàu điện, máy nông nghiệp, thiết bị tưới tiêu.
Về hợp tác phát triển, Séc là nước Đông Âu đầu tiên cấp ODA cho Việt Nam, tổng cộng khoảng 20 triệu USD. Năm 1994 cấp 14 triệu USD hỗ trợ đào tạo và việc làm cho lao động Việt Nam ở Séc về nước; năm 1995 và 2008 cấp 2,8 triệu USD để xây dựng và hiện đại hóa Trung tâm chỉnh hình cho trẻ em tàn tật ở Bắc Thái (hoạt động từ 5/1999); trợ giúp hiện đại hóa Bệnh viện Việt – Tiệp tại Hải Phòng (1,4 triệu USD), Trung tâm đào tạo kỹ thuật giày da ở Hải Phòng (700.000 USD).
Năm 2003, Chính phủ Séc viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 700.000 USD để thực hiện dự án chế biến phân vi sinh tại Hải Dương. Ngoài ra, Séc hỗ trợ 0,5 triệu USD khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam thực hiện từ 2012-2014, dự án Năng lượng bền vững cấp địa phương ở Thừa Thiên – Huế, trị giá 0,5 triệu USD, đã kết thúc năm 2013…Từ năm 2013, Séc không xếp Việt Nam vào danh sách các nước nhận viện trợ phát triển ODA do sự tiến bộ phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây.
Hợp tác về giáo dục-đào tạo là một lĩnh vực phát triển tiềm năng khác giữa hai nước. Hai bên đã nỗ lực mở rộng các khả năng hợp tác, nhất là việc khuyến khích các trường đại học uy tín của nước bạn phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam để liên kết đào tạo trình độ trên đại học.
Một số trường đại học của Việt Nam đã liên kết đào tạo với các trường đại học của Cộng hòa Séc như: Đại học Bách Khoa Hà Nội liên kết đào tạo với Trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Liberec; Học viện Nông nghiệp Việt Nam liên kết với Đại học Nông nghiệp nhiệt đới Praha; Đại học Kỹ thuật Ostrava ký kết văn kiện hợp tác với Đại học Tôn Đức Thắng. Từ năm 1999 đến 2014, Chính phủ Séc đã cấp một số học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh của ta sang Séc học tập (4-5 suất học bổng/1 năm). Hai bên đang đàm phán ký mới Thỏa thuận hợp tác về giáo dục cho giai đoạn mới.
Ngoài ra, hợp tác trong lĩnh vực lao động cũng là một điểm đáng chú ý trong quan hệ giữa hai nước. Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn lao động, Séc có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam được đào tạo về chuyên môn và tiếng Séc, nhất là trong lĩnh vực y tế. Cộng hòa Séc đã thành lập một số cơ sở đào tạo nghề, hỗ trợ nâng cao tay nghề cho lao động Việt Nam về các lĩnh vực như cơ khí, công nghiệp ô tô để bổ sung một lực lượng lao động lành nghề cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại Séc.
Hiện có gần 100.000 người Việt Nam sinh sống tại Séc. Về cơ bản, chính quyền Séc tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt cư trú, kinh doanh theo pháp luật. Ngày 3/7/2013, Chính phủ Séc đã quyết định bổ sung đại diện người Séc gốc Việt vào Hội đồng Dân tộc thiểu số, qua đó công nhận sự tồn tại của người Séc gốc Việt như một dân tộc thiểu số tại Séc.
Hai bên cũng thỏa thuận tăng cường hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, khoa học-công nghệ, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng, giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, văn hóa, du lịch, tư pháp và pháp luật…
Với mối quan hệ hợp tác có bề dày truyền thống, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala thể hiện sự coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ song phương của lãnh đạo hai nước. Trong chuyến thăm, dự kiến hai bên sẽ xác định các phương hướng hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực có tiềm năng và thế mạnh như kinh tế, thương mại, đầu tư, triển khai hiệu quả hiệp định EVFTA.
Các Hiệp định đã ký giữa hai nước
– Hiệp định liên Chính phủ về sự làm việc tương hỗ của công dân hai nước (1994).
– Hiệp định về thương mại (1994).
– Hiệp định về thanh toán và trả nợ song phương (1996).
– Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư (1997).
– Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần (1997).
– Hiệp định về vận chuyển hàng không (1997).
– Hiệp định về tránh đánh thuế trùng (ký năm 2004).
– Hiệp định về hợp tác kinh tế (ký năm 2005).
– Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư (ký năm 2007).
– Hiệp định về nhận trở lại công dân hai nước (ký năm 2007).
– Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (7/2014).
– Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, thanh niên và thể thao (10/2016).
– Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù (6/2017).
– Hiệp định về hợp tác phòng, chống tội phạm (6/2017).