Với đa số ý kiến ủng hộ những đề xuất sửa đổi Hiến pháp do Tổng thống Nga Vladimir Putin khởi xướng, có thể nói cử tri Nga đã lựa chọn con đường cải cách để phát triển ổn định cho đất nước trong tương lai.
Sự kiện đánh dấu nước Nga thực sự sẽ “sống và làm việc” theo Luật cơ bản mới, với việc thay đổi đáng kể cấu trúc quyền lực nhà nước hiện nay, tạo ra một nền tảng mới về chất cho quá trình phát triển của cả một giai đoạn dài sắp tới.
Với đa số ý kiến ủng hộ những đề xuất sửa đổi Hiến pháp do Tổng thống Putin khởi xướng, có thể nói cử tri Nga đã lựa chọn con đường cải cách để phát triển ổn định cho đất nước trong tương lai.
Kết quả sơ kiểm 100% số phiếu trong cuộc bỏ phiếu toàn quốc về gói sửa đổi Hiến pháp được Tổng thống Putin đưa ra trong Thông điệp liên bang 2020, do Ủy ban Bầu cử trung ương Nga công bố trưa 2/7, cho thấy khoảng 77,92% cử tri Nga ủng hộ các đề xuất cải cách vốn sẽ thay đổi diện mạo cả hệ thống chính trị đất nước.
Theo các chuyên gia, kể từ khi Hiến pháp nước Nga đương đại được thông qua năm 1993, trong vòng 27 năm, Luật cơ bản của Liên bang Nga được sửa đổi 3 lần, nhưng không lần nào quy mô điều chỉnh lại lớn như gói sửa đổi năm 2020 này.
Năm 2008, Liên bang Nga sửa đổi 4 điều khoản Hiến pháp để tăng các nhiệm kỳ của tổng thống và Đuma quốc gia (Hạ viện). Năm 2014, lần sửa đổi thứ hai liên quan đến 8 điều khoản và bỏ 1 điều khoản, dẫn đến việc bãi bỏ Tòa Trọng tài tối cao và làm rõ thủ tục bổ nhiệm các công tố viên.
Ngoài ra, trong lần sửa đổi này, tổng thống có quyền bổ nhiệm không quá 10% thành viên Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga.
Người dân bỏ phiếu sớm về đề xuất cải cách Hiến pháp tại điểm bỏ phiếu ở thành phố Vladivostok, Nga ngày 25/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Với gói sửa đổi năm 2020 này, 41 điều khoản sẽ được sửa đổi và bổ sung thêm 5 điều mới. Nghĩa là ngoại trừ các chương 1, 2 và 9, chỉ có thể thay đổi bằng cách triệu tập Hội nghị Hiến pháp và soạn thảo Luật cơ bản mới, gói sửa đổi năm 2020 liên quan đến 60% các điều khoản trong Hiến pháp 1993 và nếu tính thêm các điều khoản mới là hơn 62%.
Điều đó nêu bật vai trò và tầm quan trọng của bản Hiến pháp mới đối với nước Nga đương đại bởi văn kiện này sẽ làm thay đổi đáng kể hệ thống chính trị đã tồn tại hơn một phần tư thế kỷ ở Liên bang Nga.
Về chính trị, gói sửa đổi Hiến pháp lần này liên quan đến việc phân phối lại quyền lực giữa các nhánh chính quyền. Ý tưởng xuyên suốt là chuyển từ chế độ cộng hòa “siêu tổng thống” năm 1993, sang tạo ra song song một hệ thống giám sát và đối trọng mới. Nói cách khác, là nâng cao vai trò và trách nhiệm của cơ quan lập pháp.
Theo Hiến pháp sửa đổi, Duma quốc gia sẽ có quyền phê chuẩn không chỉ thủ tướng, mà cả các phó thủ tướng và bộ trưởng “dân sự” (tổng thống sẽ bổ nhiệm các nhân vật này).
Theo Hiến pháp sửa đổi, Duma quốc gia sẽ có quyền phê chuẩn không chỉ thủ tướng, mà cả các phó thủ tướng và bộ trưởng “dân sự” (tổng thống sẽ bổ nhiệm các nhân vật này).
Hiến pháp sửa đổi đồng thời cũng quy định tổng thống trực tiếp bổ nhiệm bộ trưởng các bộ “sức mạnh” như Quốc phòng (trước đó chỉ quy định trong Luật Chính phủ).
Thủ tướng sẽ có thể trình đề cử các thành viên chính phủ lên Duma quốc gia (hiện thủ tướng phải trình lên tổng thống). Hội đồng Liên bang có thêm quyền được tổng thống tham khảo ý kiến khi bổ nhiệm các bộ trưởng “sức mạnh” – tuy nhiên các thượng nghị sĩ sẽ mất quyền bổ nhiệm tổng công tố theo đệ trình của tổng thống, tổng thống sẽ bổ nhiệm tổng công tố sau khi tham vấn Thượng viện.
Tòa án Hiến pháp cũng được bổ sung thêm các quyền hạn, có thể kiểm tra không chỉ các luật hiện có mà cả các luật liên bang và luật khu vực chưa có hiệu lực.
Tuy nhiên, các thẩm phán của Tòa án Hiến pháp và các tòa án khác có thể bị Hội đồng Liên bang bãi nhiệm theo đề nghị của tổng thống.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bài phát biểu trên truyền hình tại khu vực Tver ngày 30/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo gói sửa đổi Hiến pháp, các quan chức chính phủ không được có hai quốc tịch, phải thường xuyên sống ở Nga và không được nhận giấy cư trú ở quốc gia khác; không được mở tài khoản ở các ngân hàng nước ngoài, gửi tiền mặt và các tài sản có giá trị trong các ngân hàng nước ngoài. Ứng cử viên tổng thống phải sống thường xuyên ở Nga không dưới 25 năm.
Các sửa đổi cũng quy định cấm hoàn toàn công dân có tài khoản ở ngân hàng nước ngoài, hoặc đã từng có quốc tịch nước ngoài, hoặc giấy cư trú ở một quốc gia khác ứng cử tổng thống.
Những sửa đổi này, theo Tổng thống Putin, là nhằm “gắn chặt” cuộc đời và sự nghiệp của quan chức cao cấp với nước Nga, cũng có thể hiểu là “đặt lợi ích quốc gia của nước Nga lên trên hết.”
Theo nội dung bổ sung này, ngoài Tổng thống đương nhiệm Putin, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, nếu ra tranh cử năm 2024, cũng được “xóa” nhiệm kỳ tổng thống trước đây.
Hiến pháp sửa đổi cũng khẳng định rõ quy định một người không được giữ quá 2 nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp, song có một nội dung bổ sung, là sau khi bản Hiến pháp này có hiệu lực, sẽ không tính số nhiệm kỳ đối với những người đã và hiện đang là tổng thống Nga, đồng nghĩa với Tổng thống đương nhiệm Putin có thể ra tranh cử trong cuộc bầu cử năm 2024.
Theo nội dung bổ sung này, ngoài Tổng thống đương nhiệm Putin, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, nếu ra tranh cử năm 2024, cũng được “xóa” nhiệm kỳ tổng thống trước đây.
Về xã hội, gói sửa đổi Hiến pháp lần này rất chú trọng đến việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Cụ thể, quy định mức lương tối thiểu không được thấp hơn mức sinh hoạt phí tối thiểu và đảm bảo quyền hưởng hưu trí hằng năm.
Những thay đổi quan trọng nhất liên quan đến việc tăng cường các quy định về an sinh xã hội: cung cấp hỗ trợ xã hội có mục tiêu, lương hưu, bảo vệ các giá trị gia đình và bảo vệ lao động, người dân được quyền khám chữa bệnh, hỗ trợ của các tình nguyện viên và tổ chức phi chính phủ, bảo tồn di sản văn hóa, hỗ trợ cho khoa học Nga…
Các thành viên Ủy ban bầu cử địa phương kiểm phiếu trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp ở một điểm bỏ phiếu tại Moskva ngày 1/7/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo đánh giá của các chuyên gia, hầu hết những sửa đổi này về cơ bản không mới mà đã tồn tại trong luật liên bang hiện hành và nay chỉ chuyển sang cấp Hiến pháp. Những thay đổi về kinh tế-xã hội này dự báo sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân Nga.
Từ lâu, rất nhiều chuyên gia đã ủng hộ việc “phân bổ lại” các quyền lực của tổng thống theo hướng chuyển bớt các quyền này sang cho quốc hội và chính phủ, vì như vậy nước Nga sẽ có cơ quan lập pháp mạnh, đảm đương cả vai trò bổ nhiệm lãnh đạo cao nhất của nhánh hành pháp thay vì chỉ phê chuẩn theo đệ trình của tổng thống như hiện nay.
Giới chuyên gia cho rằng gói sửa đổi Hiến pháp này cho phép hình thành một hệ thống nghị viện dân chủ và cân bằng hơn so với chính quyền “siêu tổng thống” của Hiến pháp năm 1993.
Với việc ủng hộ gói sửa đổi Hiến pháp 2020, cử tri Nga đang kỳ vọng những cải cách này sẽ là nền tảng để nước Nga tiến bước tự tin hơn trên con đường hướng tới một tương lai thịnh vượng.
Theo Hiến pháp sửa đổi, nước Nga sẽ chuyển thành nước cộng hòa tổng thống-nghị viện, với cơ quan lập pháp mang tính đại diện và thực hiện đầy đủ vai trò đại diện, với hai nhánh chính quyền hành pháp và lập pháp có liên hệ chặt chẽ, với hệ thống chính trị cân bằng và vững chắc, đảm bảo cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Bởi vậy, gói sửa đổi Hiến pháp được Tổng thống Putin đề xuất lần này được đánh giá chính là bước đi “hiện thực hóa” mục tiêu đó.
Đồng thời, Hiến pháp sửa đổi còn khắc họa đậm nét hơn hình ảnh nước Nga mới với vị thế vững vàng hơn nhiều, cả về chính trị, kinh tế lẫn quân sự so với nước Nga đầu những năm 90 của thế kỷ trước.
Với việc ủng hộ gói sửa đổi Hiến pháp 2020, cử tri Nga đang kỳ vọng những cải cách này sẽ là nền tảng để nước Nga tiến bước tự tin hơn trên con đường hướng tới một tương lai thịnh vượng.
Những tấm Pano lớn được bố trí tại những nơi công cộng nhằm động viên cử tri Nga đi bỏ phiếu cho sửa đổi Hiến pháp.
Nguồn: Trần Hiếu/TTXVN)