Sau gần mười lăm năm làm báo, tôi đôi lúc vẫn mang cảm giác ngỡ ngàng khi đọc bình luận của nhiều độc giả.
Đó là khi mà trước nhiều vấn đề xã hội, đặc biệt là đói nghèo hay bất bình đẳng cơ hội, nhiều người vẫn một mực tin rằng đó hoàn toàn là lỗi của cá nhân. Nghèo nhiều khả năng là lười. Nếu không lười mà vẫn nghèo thì chắc chắn là do thiếu linh hoạt, không biết đường làm ăn. Làm chõ xôi mặn mà đem ra đầu ngõ ấy, ai đó nói, bao nhiêu người họ sống được kia kìa. Mà đã cố xoay sở rồi vẫn không ra đường làm ăn thì hẳn nhiên là do không biết tự giáo dục, trên mạng hay ngoài phố có rất nhiều kiến thức sao không chịu học.
“Ngỡ ngàng” không phải là từ đúng. Thực tế là nhiều lúc tôi kinh sợ đến mức đặt bút viết về hoàn cảnh của ai đó, phải nghĩ việc o bế hết các khả năng xem dư luận có thể chửi người này kiểu gì?
Tôi cũng không dám oán thán độc giả. Tôi buồn, nhưng thường xuyên phải tự trách thân mình, hoặc giới truyền thông nói chung. Phải chăng là chúng tôi tuyên truyền chủ nghĩa cá nhân nhiều quá, lải nhải những luận điệu kiểu Jack Ma – “nếu 35 tuổi vẫn còn nghèo là lỗi do bạn” – nhiều quá, diễn ngôn các tấm gương làm giàu như một nỗ lực nội tại (mà quên không phân tích ngoại cảnh) nhiều quá? Hay là chúng tôi đã phân tích chính sách và vấn đề vĩ mô ít quá, để nhiều người quên rằng bất bình đẳng cơ hội thực sự vẫn là một con quái vật đang đào bới khắp các làng quê, vùng núi, xóm ngụ cư, để lại những hố ngăn không thể lấp đầy?
Cơ bản thì tôi không thể trách ai, vì quan niệm san đều cơ hội và hướng tới bình đẳng cũng là của cá nhân tôi, một người thiên tả. Nếu ai đó tin vào chủ thuyết “khôn sống mống chết” thì cần tôn trọng họ.
Nhưng hôm nay có thể là cơ hội để nhiều người trong chúng ta xét lại cách đánh giá xã hội của mình. Đại dịch cho chúng ta một khoảng lặng để suy nghĩ. Qua đó, trả lời câu hỏi tập thể, rằng xã hội Việt Nam thực sự đang hướng tới điều gì.
Niềm tin rằng ai cũng có thể vươn lên nếu họ cố gắng, dựa trên một số điều khoản của khế ước xã hội, hay tạm gọi là “lời hứa”. Đầu tiên là chế độ trọng dụng nhân tài (meritocracy), trong đó tuyên bố rằng nếu anh đủ nỗ lực để vượt qua một số bài kiểm tra, ở nhà trường hay trong công sở, anh sẽ được ban thưởng. Thứ hai, là lời hứa của thị trường tự do, trong đó tuyên bố rằng kinh tế sẽ tăng trưởng, dù ít hay nhiều, và phần bánh mới này sẽ được chia cho bất kỳ ai có sức giành lấy nó.
Nhưng đại dịch bỗng nhiên bộc lộ điểm yếu của những khế ước này. Meritocracy hóa ra phụ thuộc vào cơ hội giáo dục; và khi hạ tầng giáo dục phổ thông tạm đóng cửa, miếng gạch bông lát nền biến mất, phía dưới lộ ra những mảng xi măng không đều. Thằng cu nhà tôi vẫn đang học online, và khi việc giãn cách xã hội còn chưa căng thẳng, nó còn học cả gia sư. Trong khi đó rất nhiều bạn cùng lứa của nó ở đâu đó trên đất nước này chỉ tiếp cận giáo dục thông qua nhà trường, không biết Internet là gì. Việc này không phải bây giờ mới xuất hiện: ông con giời đã luôn học đủ thứ theo giờ, từ tiếng Anh đến piano, và bất chấp thái độ dặt dẹo chống đối của nó, tôi biết rằng nó sẽ có nhiều cơ hội hơn các bạn nhỏ nông thôn trong tương lai. Tôi biết, vì tôi đã trả tiền cho chính việc này.
Tất nhiên có cơ hội và tận dụng được cơ hội là khác nhau. Nhưng nếu như cơ hội cũng có thể được mua hay tăng cường bằng tiền của bố mẹ, khác nhau theo hạ tầng Internet ở Hà Nội, Sài Gòn so với Lào Cai, An Giang, thì xuất phát điểm của con người ta đâu có bằng nhau?
Hãy nghĩ về kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Đó là một lời hứa chắc nịch của chế độ trọng dụng nhân tài, về việc chúng ta sẽ xuất phát bằng nhau. Nhưng giờ này, sẽ có nhiều bạn thiếu niên phải tự loay hoay dưới căn nhà mái cọ, còn nhiều bạn thiếu niên có thể tiếp tục nhận trợ giúp qua MacBook dù nhà trường đóng cửa. Họ có bước vào những kỳ thi sắp tới một cách cân bằng không? Thật ra cơ hội đã luôn không đều rồi, việc trường học tạm nghỉ, một bối cảnh cực đoan, chỉ giúp ta dễ đặt câu hỏi hơn thôi.
Ảo ảnh về sự bình đẳng của nền kinh tế thị trường, cũng hóa ra dựa quá nhiều vào giả thiết tăng trưởng. Lời hứa thật ra thế này: Vì chiếc bánh chắc chắn sẽ to lên, nên nếu hôm nay anh chưa có bánh thì ngày mai anh sẽ có, ngày mai anh chưa có thì cơ hội sẽ đến vào ngày kia. Vì chiếc bánh chắc chắn sẽ to lên, luật của game “giật bánh” là cố định với bất kỳ ai, nên nếu anh mãi vẫn không thể có bánh thì đấy là lỗi của anh.
Nhưng khi bánh không nở ra nữa, ta nhận ra rằng lời hứa này có vấn đề. Những miếng bánh sẽ luôn được chia không đều vì nhiều lý do. Hóa ra là có những người lao động ngoài kia, họ và bố mẹ họ ít vốn đến mức không đầu tư bền vững được cả vào miếng ăn hàng ngày. Hai giờ sáng, tôi vẫn đi luộc spaghetti ăn rồi ngồi vào máy tính. Hai giờ sáng, ai đó có thể đang không biết ngày mai sẽ trả tiền nhà trọ kiểu gì. Dinh dưỡng đã là một vấn đề lớn, đừng nói tới những thứ như “tái đầu tư cho bản thân”. Nếu ngày mai nền kinh tế tăng trưởng dù chỉ là chút ít, loại người như tôi sẽ lao đến giật bánh đầu tiên.
Khi tất cả cùng lao về phía trước, chúng ta tưởng rằng mình đang trong một cuộc đua bình đẳng. Khi một số người đi chậm lại và một số phải dừng hẳn, ta nhận ra rằng hóa ra tốc độ luôn khác nhau.
Và ta còn nhận ra rằng các cuộc đời liên quan chặt chẽ đến nhau. Chủ nghĩa cá nhân, dù là phê phán người nghèo hay tuyệt đối hóa thành tích của người giàu, sai chính ở chỗ này. Đại dịch khiến cho chúng ta bất thần phải nhìn kinh tế ở góc độ vĩ mô, nhìn kỹ vào cái thực tế rằng nền kinh tế, nếu không tính dầu mỏ, thì phụ thuộc lớn những nông dân hoặc công nhân gia công. Công ty dịch vụ ăn uống vốn hóa mấy chục triệu USD có bị đóng cửa cũng không đáng sợ bằng một nghìn công nhân nhà máy không còn việc làm. Ngày mai chỉ cần hệ thống lao động phổ thông trong thành phố nghỉ về quê hết là dân nội thành sợ chết khiếp. Các thành phần kinh tế phụ thuộc lẫn nhau và không thể tách rời. Đời họ là đời ta. Chúng ta bay xa nhờ tốc độ những cánh chim cuối đàn và ngược lại, nếu có mất an ninh (lương thực, kinh tế hay kể cả an ninh trật tự), thì cũng là vì chính những người này không được bảo vệ và chăm sóc.
Đại dịch, khi xã hội chậm lại, kể cho chúng ta rất nhiều điều. Đó cũng có thể là cơ hội để chúng ta lựa chọn hệ thống hành động của mình, hay nói như kênh Vox trong một phóng sự mới đây về con người trong đại dịch: “Trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình”.
Tôi gọi điện hỏi thăm một vòng bạn bè của mình, những lao động di cư ở Hà Nội, dưới bãi sông Hồng hay trong xóm chạy thận Lê Thanh Nghị. Họ vẫn lạc quan: có lẽ họ quen với sự bấp bênh trong cuộc đời hơn tôi, một thị dân điển hình. Tôi chia sẻ sự lạc quan của họ với bạn bè trên facebook. Một vài người gửi năm trăm, một triệu, nhờ tôi chuyển cho “anh chị em của Hoàng”. Tôi rất vui. Có tiền cho mấy gia đình rau dưa qua đẫn này là một chuyện; nhìn thấy thái độ sống của nhiều người quanh mình mới là điều quan trọng. Nó nhắc tôi rằng mình vẫn đang sống trong một nền văn hóa nơi người yêu thương người. Ai cũng muốn được sống trong một xã hội như thế, nơi các cư dân đùm bọc nhau vô điều kiện.
Nhưng từ thiện chỉ là một phiên bản tối giản của lòng tốt. Bây giờ là lúc ta nhìn thấy rõ hơn những hố ngăn trong xã hội, rằng có những người ít cơ hội thay đổi và làm chủ cuộc sống tới mức nào. Bây giờ, không chỉ là thời gian cho yêu thương và đùm bọc. Bây giờ có thể là thời gian dọn dẹp tâm trí: khi đại dịch qua đi, công cuộc phát triển trở lại, chúng ta không quên rằng đã có lúc mình nhìn thấu bản chất cuộc đời của nhiều lao động, nhiều đứa trẻ ngoài kia.
Ta không cứ đơn giản trách những cánh chim bay chậm vì chúng “không biết cố gắng”. Ta biết cách xem xét các bối cảnh khách quan để hiểu rằng vì sao cuộc cạnh tranh thiếu công bằng, để sửa chữa chúng. Điều này có thể đến từ hành động của mỗi cá nhân, của cộng đồng hay thậm chí là sửa chữa chính sách của chính phủ.
Bối cảnh cực đoan này có ý nghĩa của nó. Những câu chuyện về lòng tốt xuất hiện khắp nơi. Nhưng đây còn là cơ hội để lòng hướng thiện được nối dài trong tương lai, trở thành một thái độ xây dựng quốc gia. Chúng ta đứng trước cơ hội trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Đức Hoàng