Ngày 10/4 vừa qua, tại trụ sở Hạ viện Séc đã diễn ra hội thảo chuyên đề với chủ đề: “Phòng ngừa hành vi nguy cơ ở thanh thiếu niên không chỉ trong môi trường học đường”. Sự kiện do Phó Chủ tịch Hạ viện Jan Bartošek (KDU-ČSL) tổ chức, phối hợp với Vụ Chính sách phòng, chống ma túy thuộc Văn phòng Chính phủ Séc và Khoa Nghiên cứu hành vi nghiện thuộc Đại học Karlova và Bệnh viện Tổng hợp Praha (VFN). Sự kiện được Phu nhân Tổng thống – bà Eva Pavlová bảo trợ.
Phòng ngừa là đầu tư vào tương lai
Phát biểu tại hội thảo, ông Jan Bartošek nhấn mạnh:
“Phòng ngừa hành vi nguy cơ ở thanh thiếu niên không chỉ là vấn đề của ngành y tế, mà còn liên quan đến an ninh xã hội – giúp ngăn chặn tội phạm, cực đoan và các hành vi lệch lạc. Mỗi đồng đầu tư cho phòng ngừa hôm nay sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước.”

Ông cũng chỉ ra rằng đại dịch Covid-19 là bước ngoặt khiến các vấn đề tâm lý trở nên phổ biến hơn, nhưng đồng thời cũng giúp nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, ông thẳng thắn thừa nhận:
“Tôi rất muốn nói rằng, sau vài năm, giới lãnh đạo chính trị đã có những bước đi rõ ràng và đảm bảo được nguồn tài chính ổn định cho phòng ngừa. Nhưng thực tế thì chưa đạt được điều đó.”

Cộng đồng người Việt góp tiếng nói trong lĩnh vực giáo dục sức khỏe tâm thần
Một điểm đáng chú ý tại hội thảo lần này là sự tham dự tích cực của Công ty CZECH VIỆT và Trung tâm Giáo dục Séc Việt, hai tổ chức có nhiều hoạt động kết nối cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc. Đại diện hai đơn vị đã bày tỏ cam kết hợp tác cùng chính phủ và các cơ quan chức năng Séc trong việc:
- Truyền thông và giáo dục cộng đồng người Việt về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần
- Tổ chức các chương trình phòng ngừa hành vi nguy cơ, đặc biệt trong nhóm thanh thiếu niên người Việt
- Phối hợp thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức tại trường học, cộng đồng và qua mạng xã hội
Đây được xem là bước đi cụ thể và tích cực của cộng đồng nhập cư trong việc chủ động hội nhập, đóng góp cho lợi ích chung của xã hội Séc.
Phòng ngừa không chỉ trong nhà trường, mà phải ở toàn xã hội
Bà Lucia Kiššová, Giám đốc Vụ Chính sách phòng, chống ma túy của Văn phòng Chính phủ, nhấn mạnh rằng phòng ngừa hành vi nghiện và nguy cơ không thể giới hạn trong phạm vi nhà trường.
“Gia đình, cộng đồng và cả môi trường xã hội – bao gồm các chính sách kiểm soát như cấm hút thuốc nơi công cộng hay hạn chế quảng cáo sản phẩm gây nghiện – đều đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhận thức và hành vi của giới trẻ.”
Bà cũng cho biết Chính phủ Séc đã quyết định bổ sung 100 triệu korun vào ngân sách năm nay cho phòng ngừa và điều trị các hành vi nghiện, nhằm cải thiện tình hình tài chính vốn đang thiếu hụt nghiêm trọng trong lĩnh vực này.

Chất lượng chuyên môn và sự bền vững lâu dài là then chốt
GS.TS Michal Miovský, Trưởng Khoa Nghiên cứu hành vi nghiện, cho biết:
“Phòng ngừa trong trường học và cộng đồng đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và phải được hỗ trợ lâu dài. Cần đảm bảo trẻ em được tiếp cận phòng ngừa một cách an toàn, hiệu quả và bài bản.”
Hội thảo cũng đề cập đến việc cần kết nối các chương trình phòng ngừa trong trường học với doanh nghiệp và các tổ chức xã hội khác, nhằm hình thành một hệ sinh thái phòng ngừa toàn diện, có sự tham gia đồng bộ từ nhiều phía.