Trận lũ lụt tại Trung Âu đã gây ra những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, với ước tính ban đầu rơi vào khoảng 1 tỷ Euro. Tuy nhiên, mức độ thiệt hại thực tế vẫn chưa được tổng hợp do mưa lớn tiếp tục tàn phá khu vực, khiến số người thiệt mạng tăng cao và gây hư hại trên diện rộng.
Theo công ty tư vấn môi trường JBA Risk Management, lũ lụt là hiểm họa thiên nhiên gây ra tổn thất lớn nhất ở châu Âu. Cả tần suất và cường độ bão lũ, cũng như quy mô thiệt hại do chúng gây ra, dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa khi kinh tế tiếp tục phát triển tại các khu vực có nguy cơ lũ lụt cao và tình hình khí hậu trở nên khắc nghiệt hơn.
Đợt lũ vừa qua đã nhấn chìm nhiều khu vực ở Áo, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Romania và dự kiến còn ảnh hưởng đến cả Slovakia và Hungary. Chính phủ Ba Lan, Romania và Áo đã giải phóng hàng trăm triệu Euro quỹ khẩn cấp, trong khi Séc đang nhanh chóng xem xét điều chỉnh ngân sách năm 2024.
Thiệt hại tổng thể đối với cơ sở hạ tầng, đất đai và tài sản, cũng như chi phí cứu trợ, cứu hộ tăng cao, có thể làm suy giảm sản lượng và hoạt động kinh tế, nhà phân tích thị trường tại Conotoxia Invest, ông Grzegorz Dróżdż chỉ ra.
“Những yếu tố này thường dẫn đến tác động tiêu cực đối với ngân sách và thương mại, thể hiện qua việc tăng thâm hụt và cán cân thương mại xấu đi do xuất khẩu giảm và nhập khẩu tăng,” ông Dróżdż nói thêm.
Cộng hòa Séc là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các sự kiện thời tiết bất lợi gần đây. Một số nhà máy và hệ thống cửa hàng lớn đã buộc phải tạm ngừng sản xuất, bao gồm nhà máy hóa chất BorsodChem ở Ostrava, nhà sản xuất đồ uống Kofola CeskoSlovensko và nhà máy cốc hóa OKK Koksovny – một trong những nhà sản xuất than cốc lớn nhất châu Âu, theo Reuters.
Dịch vụ đường sắt qua biên giới giữa Ba Lan và Cộng hòa Séc, cũng như Hungary và Áo, đã bị đình trệ. Các nhà phân tích tại Erste Group cảnh báo rằng vẫn còn quá sớm để thấy rõ được toàn bộ hậu quả.
Chia sẻ với Euro News, bà Katarzyna Rzentarzewska, nhà phân tích kinh tế vĩ mô trưởng khu vực CEE của Erste Group cho biết thiệt hại kinh tế liên quan đến tài sản và sản xuất ở Cộng hòa Séc có thể chiếm từ 0,2-0,5% GDP, với tác động tổng thể đối với tăng trưởng GDP là nhỏ hơn, dự kiến ở mức thấp của phạm vi này.
Bà Rzentarzewska dự báo, trong ngắn hạn (đến cuối năm nay), hầu hết các ngành công nghiệp ở tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng sẽ đều chịu “cú sốc” tiêu cực và du lịch trong khu vực cũng gặp tổn thất lớn. “Cuối cùng, thiệt hại về mùa màng sẽ trực tiếp gây áp lực lên lạm phát”, bà Rzentarzewska nói thêm.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng đồng tình rằng nếu nhìn một cách lạc quan về dài hạn, hoạt động phục hồi sẽ tạo động lực cho lĩnh vực xây dựng và đóng góp vào GDP, đồng thời khuyến khích các chính phủ tập trung đầu tư vào công nghệ hiện đại, nâng cấp cơ sở hạ tầng bền vững và phát triển hơn.