Praha, tháng 4/2025 – Theo bác sĩ chuyên khoa phụ sản Elena Sudarikova từ phòng khám Venova, khoảng một phần ba phụ nữ tại Séc đang bỏ lỡ các buổi khám phụ khoa định kỳ, trong đó phụ nữ trung niên và cao tuổi là nhóm chủ quan nhiều nhất. Dù hệ thống y tế tại Cộng hòa Séc cho phép khám phụ khoa phòng ngừa mỗi năm một lần và được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng vẫn còn nhiều người chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc này – bao gồm cả một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Séc.
Bắt đầu từ tuổi dậy thì – nhưng không nên kết thúc sau mãn kinh
Bác sĩ Sudarikova khuyến cáo: lần khám đầu tiên nên diễn ra sau kỳ kinh nguyệt đầu tiên, khoảng 13 tuổi, với bác sĩ phụ khoa nhi. Đây thường chỉ là buổi tư vấn nhằm giúp các bé gái làm quen với kiến thức về sức khỏe sinh sản, từ chu kỳ kinh nguyệt đến việc sử dụng thuốc tránh thai hay tiêm phòng HPV – loại virus có thể gây ung thư cổ tử cung.
“Việc khám phụ khoa nên là thói quen định kỳ hàng năm, không chỉ khi có vấn đề,” bác sĩ nhấn mạnh. Đặc biệt, phụ nữ sau khi bắt đầu đời sống tình dục hoặc khi có biểu hiện bất thường như kinh nguyệt không đều, đau bụng dưới, ngứa rát, khí hư… nên đi khám ngay, bất kể độ tuổi.
Những vấn đề thường gặp ở phụ nữ theo từng giai đoạn tuổi
- Phụ nữ trẻ tuổi thường gặp vấn đề mất cân bằng hệ vi sinh âm đạo (vaginal dysbiosis), dẫn đến viêm nhiễm, nấm, đau rát, khó chịu. Theo thống kê, 75% phụ nữ từng mắc nấm âm đạo ít nhất một lần trong đời và 5% phải điều trị viêm mãn tính.
- Phụ nữ độ tuổi sinh sản dễ gặp bệnh lý lạc nội mạc tử cung (endometrióza) – khi mô nội mạc tử cung phát triển ngoài buồng tử cung, thường là ở buồng trứng hoặc vòi trứng. Đây là nguyên nhân phổ biến gây đau khi hành kinh, đau khi quan hệ và có thể dẫn đến vô sinh.
- Phụ nữ sau 50 tuổi có nguy cơ cao hơn mắc ung thư nội mạc tử cung và ung thư cổ tử cung, trong đó 80% trường hợp ung thư nội mạc tử cung xuất hiện sau mãn kinh.
“Vấn đề là nhiều phụ nữ cho rằng sau mãn kinh không cần đi khám phụ khoa nữa. Đây là quan niệm sai lầm. Ung thư giai đoạn đầu không có biểu hiện rõ rệt, và khám định kỳ là cách duy nhất để phát hiện sớm,” – bác sĩ Sudarikova cảnh báo.
Cộng đồng người Việt, đặc biệt là phụ nữ nhập cư thế hệ đầu, có xu hướng ít tiếp cận hệ thống y tế chuyên sâu hoặc ngại đến bác sĩ phụ khoa vì rào cản ngôn ngữ và văn hóa. Tuy nhiên, các bác sĩ tại Séc hiện nay có hỗ trợ phiên dịch hoặc cung cấp thông tin bằng nhiều ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt tại một số bệnh viện lớn tại Praha, Brno và Ostrava.
Nhiều tổ chức người Việt và trung tâm cộng đồng cũng đã phối hợp tổ chức các buổi tư vấn sức khỏe phụ nữ miễn phí, giúp chị em hiểu rõ hơn về quyền lợi bảo hiểm, lịch tiêm phòng HPV cho con gái từ 11–14 tuổi, và các dấu hiệu cần khám sớm.
Lời khuyên cuối cùng từ chuyên gia
- Hãy duy trì thói quen khám phụ khoa mỗi năm một lần, kể cả khi bạn thấy “không có gì bất thường”.
- Đưa con gái đi khám từ sớm để giúp các bé có nhận thức đúng về sức khỏe sinh sản.
- Nếu bạn là người Việt sống tại Séc và cần hỗ trợ, hãy liên hệ các tổ chức cộng đồng hoặc trung tâm y tế có phiên dịch để được hướng dẫn.
“Phát hiện sớm có thể cứu sống. Hãy chủ động vì sức khỏe của chính mình và người thân,” – bác sĩ Sudarikova nhấn mạnh.
Nguồn CTK