Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh thuế đối ứng toàn cầu lên tất cả hàng hóa vào Mỹ, đồng thời nâng mức thuế đối với hơn 60 quốc gia.

Reuters đưa tin, rạng sáng 3.4 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu 10% lên tất cả hàng hóa vào Mỹ, đồng thời nâng mức thuế đối với hơn 60 quốc gia, bao gồm cả những đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Ấn Độ.
Phát biểu tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, Tổng thống Trump khẳng định rằng đây là một bước đi lịch sử nhằm bảo vệ người lao động Mỹ, giúp nền sản xuất trong nước không còn bị “bóc lột” bởi các nước khác.
Ông Trump gọi đây là “tuyên ngôn độc lập kinh tế”, nhấn mạnh rằng Mỹ đã chịu thua thiệt quá lâu và giờ là lúc giành lại thế thượng phong.
Trung Quốc chịu mức thuế cao nhất
Trung Quốc là quốc gia chịu tác động mạnh nhất khi phải gánh mức thuế tổng cộng 54%, bao gồm mức thuế mới 34% mà ông Trump vừa công bố, cộng dồn với mức thuế 20% trước đó.
Các mặt hàng điện thoại, quần áo, linh kiện điện tử và hàng tiêu dùng từ Trung Quốc sẽ đối mặt với mức giá cao hơn đáng kể, gây khó khăn lớn cho người tiêu dùng Mỹ.
Đặc biệt, một thay đổi lớn trong chính sách thuế mới là việc loại bỏ quy định “de minimis”, vốn cho phép các gói hàng dưới 800 USD từ Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) vào Mỹ mà không bị đánh thuế.
Bắt đầu từ ngày 2.5, mọi đơn hàng từ các nền tảng thương mại điện tử như Temu, Shein và AliExpress sẽ bị đánh thuế 54%, khiến giá cả hàng hóa trên các nền tảng này tăng vọt.
Một loạt nước chịu thuế cao
Không chỉ Trung Quốc, các đối tác thương mại quan trọng khác cũng không thoát khỏi cơn bão thuế quan của Trump.
Liên minh châu Âu bị áp thuế 20%, một cú giáng mạnh vào các ngành xuất khẩu chủ lực như ôtô, thực phẩm và rượu vang. Nhật Bản chịu mức thuế 24%, Hàn Quốc 25%, Ấn Độ 26%, trong khi Việt Nam đối mặt với mức thuế cao tới 46%.
Các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Pakistan, Bangladesh và Thụy Sĩ cũng phải hứng chịu mức thuế từ 30% trở lên, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu của họ gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, một số mặt hàng đặc biệt như dược phẩm, chất bán dẫn, gỗ, vàng và khoáng sản quan trọng vẫn được miễn thuế, cho thấy Mỹ vẫn có những toan tính chiến lược trong việc giữ nguồn cung cho các ngành trọng yếu.

Thị trường chao đảo
Ngay sau thông báo của Tổng thống Trump, thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm mạnh, với tổng giá trị vốn hóa bay hơi gần 5 nghìn tỉ USD chỉ trong vài tuần qua.
Giới đầu tư lo ngại rằng căng thẳng thương mại sẽ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đẩy chi phí sản xuất và giá tiêu dùng lên cao, ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người dân Mỹ.
Các công ty lớn như Apple, Tesla, Nike, vốn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc tế, đang đứng trước nguy cơ phải điều chỉnh chiến lược sản xuất hoặc tăng giá bán sản phẩm để bù đắp chi phí.
Các doanh nghiệp nhỏ cũng không nằm ngoài vòng xoáy này, khi nguyên liệu đầu vào trở nên đắt đỏ hơn, buộc họ phải cắt giảm lao động hoặc thậm chí đóng cửa.
Tổng thống Trump khẳng định rằng các biện pháp thuế quan sẽ giúp nước Mỹ tái thiết ngành sản xuất và giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc.
Ông tin rằng thuế cao sẽ buộc các công ty phải đưa nhà máy trở về Mỹ, tạo ra việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nội địa. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng những tác động tiêu cực có thể lớn hơn nhiều so với lợi ích mà ông Trump kỳ vọng. Hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, khiến chi phí sinh hoạt của người dân tăng cao.
Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu cũng tăng lên khi các nước đối tác đáp trả bằng những biện pháp tương tự, làm giảm lưu lượng thương mại và đầu tư giữa các quốc gia.
Danh sách các mức thuế đối ứng mà Tổng thống Donald Trump đã công bố
Trung Quốc: 34%
Liên minh châu Âu: 20%
Hàn Quốc: 25%
Ấn Độ: 26%
Việt Nam: 46%
Đài Loan (Trung Quốc): 32%
Nhật Bản: 24%
Thái Lan: 36%
Thụy Sĩ: 31%
Indonesia: 32%
Malaysia: 24%
Campuchia: 49%
Vương quốc Anh: 10%
Nam Phi: 30%
Brazil: 10%
Bangladesh: 37%
Singapore: 10%
Israel: 17%
Philippines: 17%
Chile: 10%
Australia: 10%
Pakistan: 29%
Thổ Nhĩ Kỳ: 10%
Sri Lanka: 44%
Colombia: 10%