Trong khi các nước như Na Uy hay Đan Mạch tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới để ngăn dịch Covid-19, quốc gia láng giềng Thụy Điển lại chọn hướng đi khác biệt với phần còn lại.
Theo New York Times, Đan Mạch và Na Uy đã đóng cửa biên giới, các nhà hàng, khu trượt tuyết, và yêu cầu sinh viên nghỉ tại nhà để ngăn virus corona lây lan, Thụy Điển mới chỉ đóng cửa trường trung học và đại học, vẫn cho trường mầm non, tiểu học, nhà hàng, quán rượu hoạt động, cũng như vẫn để mở cửa biên giới.
Trên thực tế, Thụy Điển vẫn đang duy trì nhịp sống không khác bình thường là mấy trong khi các quốc gia láng giềng ở khu vực Scandinavia hay ở nơi khác tại châu Âu đã ban hành hàng loạt các biện pháp mạnh tay, bao gồm cả phong tỏa toàn quốc.
Cách tiếp cận của Thụy Điển lúc này đã làm dấy lên câu hỏi liệu họ có đang “đánh cược” với Covid-19, dịch bệnh chưa có phương thuốc chữa trị hay vắc xin, hay đây là một chiến lược đặc biệt để chống dịch của quốc gia châu Âu.
Tính đến ngày 28/3, Na Uy (5,3 triệu dân) có hơn 3.770 ca Covid-19 và 19 người tử vong, Đan Mạch (5,6 triệu dân) ghi nhận 2.200 ca nhiễm virus và 52 người thiệt mạng. Thụy Điển (10,12 triệu dân) có 3.060 ca nhiễm virus corona và 105 người chết.
Báo Đan Mạch Politiken đã đặt ra câu hỏi rằng: “Liệu Thụy Điển có đánh giá dịch Covid-19 là nghiêm trọng?”. Trên thực tế, theo New York Times, chưa có bằng chứng nào cho thấy Thụy Điển xem nhẹ bệnh dịch đã lây lan trên toàn cầu.
Chính quyền Thụy Điển cùng các quan chức y tế vẫn nhấn mạnh các biện pháp chống dịch với người dân bằng cách rửa tay, cách ly xã hội và bảo vệ người trên 70 tuổi bằng cách hạn chế tiếp xúc với họ.
Tuy nhiên, nhịp sống ở Thụy Điển được xem là vẫn không khác bình thường. Các quán cafe vẫn có các nhóm khách. Trẻ em vẫn vui đùa ở sân chơi. Các nhà hàng, phòng tập gym, trung tâm thương mại, khu trượt quyết dường như không quá đông người, nhưng vẫn hoạt động bình thường.
Nhà nghiên cứu dịch tễ học của Thụy Điển Anders Tegnell, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng chiến lược của nước này được tiến hành dựa trên khoa học.
“Chúng tôi đang cố gắng làm chậm sự lây lan của mầm bệnh ở mức vừa đủ để có thể đối phó với số lượng bệnh nhân gia tăng”, chuyên gia Tegnell cho hay, nhấn mạnh rằng cách tiếp cận của Thụy Điển dựa vào “sự tự kiềm chế và ý thức trách nhiệm” của người dân.
“Đó là cách chúng tôi hoạt động ở Thụy Điển. Toàn bộ hệ thống kiểm soát bệnh truyền nhiễm của chúng tôi dựa vào sự tình nguyện”, ông Tegnell lý giải.
“Bạn cung cấp cho người dân phương án để họ làm điều tốt nhất trong cuộc đời họ. Điều đó rất hiệu quả, theo kinh nghiệm của chúng tôi”, chuyên gia trên cho hay.
Theo New York Times, cách làm của Thụy Điển cho thấy sự khác biệt với nhiều quốc gia trên thế giới nhưng còn quá sớm để khẳng định liệu cách làm của họ có mang lại kết quả giống như các nước khác hay không.
Chiến dịch của Thụy Điển có thể thực hiện nhờ vào việc quốc gia này có mức độ tin cậy cao, theo nhà sử học Lars Tragardh. Ngoài ra, Thụy Điển có quy định trong Hiến pháp cấm chính phủ can thiệp vào công việc của cơ quan hành chính, ví dụ như cơ quan y tế công cộng.
Ông Tragardh cho biết mức độ tin cậy của Thụy Điển thể hiện thông qua việc không chỉ người dân tin tưởng vào cơ quan nhà nước và ngược lại, mà sự tin tưởng ở mức cao độ cũng tồn tại giữa các công dân.
Thụy Điển đã cấm các sự kiện tụ tập trên 500 người. Tuy nhiên, vào thời điểm ban đầu, một số nhà tổ chức cho biết họ sẽ giới hạn số người tham gia ở mức 499. Chuyên gia Tegnell cho rằng đó là lý do lệnh cấm không hiệu quả vì “mọi người sẽ tìm cách lách luật”.
“Đóng cửa biên giới vào thời điểm đại dịch khi mọi nước đều đóng lại, với tôi không có nhiều ý nghĩa. Chúng ta đang không còn ở trong giai đoạn ngăn chặn bệnh, mà lúc này là trong giai đoạn giảm thiểu thiệt hại”, ông Tegnell cho hay.
Theo một cuộc khảo sát do báo Svenska Dagbladet công bố hồi đầu tuần, 52% người Thụy Điển được hỏi ủng hộ các phương pháp của chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến hoài nghi cho rằng, Thụy Điển có cách tiếp cận khác các nước còn lại vì họ có thể đang đi theo chiến dịch “miễn dịch cộng đồng”. Cơ quan y tế công cộng Thụy Điển đã bác bỏ giả thuyết này.
Trong bối cảnh hiện tại, đồ thị số ca nhiễm ở Thụy Điển bắt đầu có dấu hiệu leo thẳng lên. Hôm 27/3, Thụy Điển đã ban hành lệnh cấm tụ tập với nhóm trên 50 người.
Bà Elisabeth Hatlem, một chủ khách sạn, vừa đồng tình vừa không đồng tình với cách tiếp cận của Thụy Điển. Bà hài lòng về việc vẫn được mở cửa kinh doanh, nhưng bà không muốn đưa 6 đứa con tới trường học giữa dịch bệnh.
“Với chúng tôi, phong tỏa toàn bộ là thảm họa. Tuy nhiên, tôi cũng lo lắng về việc dịch có thể bùng phát mạnh hơn ở Thụy Điển trong tương lai”, bà Hatlem cho hay.
Nguồn: Dân Trí