Trang chủ Giải trí Sự kiện Châu Âu dần nới phong tỏa khi đường cong COVID-19 dần phẳng

Châu Âu dần nới phong tỏa khi đường cong COVID-19 dần phẳng

Quảng cáo

(PLO)- Tình hình dịch bệnh châu Âu có vẻ khả quan hơn trước nhưng còn quá sớm để các nước dỡ bỏ phong tỏa, theo WHO.

Một người đàn ông đeo khẩu trong một cửa hàng tại TP Eisenstadt hôm 14-4 sau khi chính phủ Áo nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Ảnh: REUTERS

Tình hình đại dịch COVID-19 tại châu Âu có nhiều tiến triển khả quan và các quốc gia tại đây đang rục rịch nới lỏng phong tỏa. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo vì đại dịch toàn thế giới chưa lên tới “đỉnh điểm” nên việc dỡ bỏ sớm này chứa đựng nhiều nguy cơ.

Quảng cáo

Ngày 14-4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận số ca nhiễm mới đang giảm bớt ở một số nước châu Âu như Ý và Tây Ban Nha, nhưng dịch lại đang gia tăng ở Anh và Thổ Nhĩ Kỳ.

“Đại dịch bùng phát trên toàn thế giới nhưng 90% các ca nhiễm đều ở châu Âu và Mỹ. Vì vậy, chúng tôi chắc chắn rằng đại dịch vẫn chưa lên đỉnh điểm” – phát ngôn viên của WHO Margaret Harris cho biết trong cuộc họp tại Geneve (Thụy Sĩ), theo hãng tin Reuters.

“Đường cong đã được làm phẳng” ở nhiều nước

Tây Ban Nha – quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới (sau Mỹ) nhận thấy “đường cong đã được làm phẳng” trên biểu đồ tình hình dịch, Reuters dẫn thông tin từ Bộ trưởng Y tế Salvador Illa.

Ngày 14-3, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 3.045 ca nhiễm mới, giảm mạnh so với một ngày trước đó (3.268 ca nhiễm mới). Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 ở mức 174.060 ca, theo trang thống kê Worldometer.

Đáng chú ý, số người chết mới vì COVID-19 hôm 14-4 là 567 người, tăng thêm 20 người so với báo cáo một ngày trước. Tây Ban Nha chứng kiến số người chết hằng ngày đang giảm dần kể từ khi đạt đỉnh hôm 2-4 với 961 người chết.

Châu Âu dần nới phong tỏa khi đường cong COVID-19 dần phẳng - ảnh 1


Những nhân viên y tế đau đớn trước cảnh bệnh nhân COVID-19 chết quá nhiều, bên ngoài BV Severo Ochoa, TP Leganes (Tây Ban Nha) hôm 13-4. Ảnh: REUTERS

Tin tích cực là có 67.504 bệnh nhân đã bình phục khỏi COVID-19 và được xuất viện.

“Chiều hướng tình hình dịch bệnh đã tốt hơn, phù hợp với những gì chúng ta chứng kiến trong những tuần gần đây” – ông Fernando Simon, người đứng đầu chiến dịch chống COVID-19 của Tây Ban Nha, nói.

Ý cũng chứng kiến số ca tử vong vì COVID-19 hôm 14-4 tăng lên, trong khi số người nhiễm mới giảm – đây là mức giảm thấp nhất kể từ ngày 13-3, theo hãng tin Reuters.

Theo Reuters và Worldometer, số ca tử vong trong ngày 14-4 là 602 người, cao hơn so với ngày 13-4 (566 ca tử vong mới). Ngày 14-4 được cho là ngày thứ hai liên tiếp có số ca tử vong mới tăng nhanh.

Ngược lại, số ca nhiễm mới đã chậm lại với 2.972 ca nhiễm mới được ghi nhận hôm 14-4, thấp hơn mức 3.153 ca nhiễm mới một ngày trước.

Tổng số người tử vong vì COVID-19 tại Ý hiện là 21.067 – cao thứ hai thế giới sau Mỹ (26.047 ca) và tổng số ca nhiễm đứng ở mức 162.488 ca – đứng thứ ba thế giới sau Tây Ban Nha và Mỹ.

Châu Âu dần nới phong tỏa khi đường cong COVID-19 dần phẳng - ảnh 2


Nhân viên y tế đang chăm sóc cho bệnh nhân trong phòng điều trị tích cực (ICU) ở BV Bassini, TP Mila (Ý). Ảnh: REUTERS

Thông tin đáng mừng tại Ý khi ngày 14-4 là ngày thứ 11 liên tiếp có số người phải điều trị tích cực giảm, với 3.186 người, thấp hơn so với 3.260 người hôm 13-4.

Với những ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, ngày 14-4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ý sẽ giảm tới 9,1% trong năm nay. Ý là quốc gia sẽ chứng kiến sự sụt giảm kinh tế mạnh nhất trong toàn bộ khu vực châu Âu, theo Reuters.

Một điểm nóng khác tại châu Âu là Pháp khi chứng kiến số ca tử vong mới tăng nhẹ sau một vài ngày ổn định trước đó.

Hiện Pháp xác nhận hơn 15.729 ca tử vong tính đến hết ngày 14-4, đang đứng ở vị trứ thứ ba của châu Âu và thứ tư trên thế giới.

Theo Tổng Giám đốc Cơ quan y tế công cộng Jerome Salomon, ngày 14-4 có tới 762 ca tử vong mới được ghi nhận từ các bệnh viện và các viện dưỡng lão Pháp, tức tăng 5% so với ngày 13-4.

Ông Salomon cho biết tổng số ca nhiễm hiện ở mức 143.303 ca, với 6.524 ca nhiễm mới ghi nhận hôm 14-4, tức tăng 5% so với một ngày trước. Tỉ lệ này được cho là cao hơn so với những ngày trước (13-4 là 4%, 12-4 là 1,7%).

Châu Âu dần nới phong tỏa khi đường cong COVID-19 dần phẳng - ảnh 3


Nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm cho một cư dân tại viện dưỡng lão ở Bergheim, miền đông nước Pháp. Ảnh: AP

Thêm vào đó, Pháp có tới 26.680 trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 tại các viện dưỡng lão. Nếu được xác nhận thì Pháp sẽ có tới 130.000 ca nhiễm bệnh.

Ông Salomon cho biết tùy thuộc vào tính toán ở các khu vực khác nhau thì có 5% đến 10% dân số Pháp có thể nhiễm virus SARS-CoV-2.

Một số hãng tin như Reuters và The Guardian dẫn thông tin nói rằng số tử vong thực sự vì COVID-19 tại Anh có thể vượt qua số liệu được công bố từ chính phủ Anh.

Theo tổng hợp từ chính phủ Anh và Worldometer, số người chết vì COVID-19 trong ngày 14-4 là 778, đưa tổng số ca tử vong ở Anh là 12.107 – đứng vị trí thứ năm trên thế giới.

Tuy nhiên, theo một báo cáo từ Văn phòng thống kê quốc gia Anh (ONS), số liệu thực tế có thể cao hơn 15% so với công bố hằng ngày của chính phủ.

Ông Nick Stripe – người đứng đầu nhóm phân tích tại ONS cho biết: “Số liệu về số người tử vong vì COVID-19 tính đến ngày 3-4 vừa qua thì có tới 6.235 người tử vong tại Anh và xứ Wales. Số này cao hơn 15% so với con số mà mà Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS) công bố bởi vì NHS tổng hợp giấy chứng tử từ các nạn nhân và các ca tử vong trong cộng đồng”.

Châu Âu dần nới phong tỏa khi đường cong COVID-19 dần phẳng - ảnh 4


Một sĩ quan quân đội đang lấy mẫu xét nghiệm đối với tài xế tại một bãi đậu xe ở thủ đô London (Anh) hôm 14-4. Ảnh: REUTERS

Ngoài ra, số liệu hằng tuần của ONS cho thấy có 10% số ca tử vong vì COVID-19 bên ngoài các bệnh viện ở Anh như từ các viện dưỡng lão, nhà tế bần. Tuy nhiên, các số liệu ghi nhận trên đã kết thúc ghi nhân từ ngày 3-4, cho nên nhiều người lo ngại rằng số ca tử vong thực tế còn nhiều hơn nữa, theo The Guardian.

Bà Yvonne Doyle – Giám đốc Cơ quan Y tế công cộng Anh cho biết chính phủ đang hợp tác với ONS để cập nhật thông tin.

“Chúng tôi sẽ làm rõ lại bởi nguyên nhân tử vong vì COVID-19 là chính xác và đó là điều được thể hiện trên giấy chứng tử. Chính phủ hy vọng sẽ có số liệu nhanh chóng nhất” – bà nói.

Nhiều nước châu Âu từ từ dỡ lệnh phong tỏa

Trong khi Ý vẫn chưa cho phép mở cửa hay dỡ bỏ phong tỏa tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề như vùng Lombardy thì các quốc gia khác bắt đầu có những động thái dỡ bỏ dần dần phong tỏa hay bớt hạn chế đi lại.

Tại Tây Ban Nha, một số doanh nghiệp như xây dựng và sản xuất đã được phép hoạt động lại. Tuy nhiên, các cửa hàng, quán bar và không gian công cộng sẽ đóng cửa cho đến ít nhất là ngày 26-4, theo Reuters.

Châu Âu dần nới phong tỏa khi đường cong COVID-19 dần phẳng - ảnh 5


Người dân Tây Ban Nha đi ngang qua một quốc kỳ nước này có dòng chữ: Cố lên Tây Ban Nha, cùng nhau thắng dịch. Ảnh: REUTERS

Một số người bày tỏ lo ngại việc nới lỏng các lệnh hạn chế có thể gây ra một sự “đột biến mới” về tình hình dịch. Nhưng với một công nhân xây dựng 50 tuổi tên là Roberto Aguayo nói với Reuters rằng hoạt động trở lại này là kịp thời.

“Chúng tôi thực sự cần làm việc. Chúng tôi sắp hết đồ ăn vì thế phải trở lại làm việc” – ông Aguayo nói.

Ngày 14-4, Đan Mạch nói rằng sẽ mở cửa lại trường học và trung tâm giữ trẻ. Tuy nhiên, trước đó Thủ tướng Mette Frederiksen cảnh báo rằng nước này không nên hoạt động trở lại quá nhanh và sớm vậy.

Trong khi đó, từ ngày 13-4, Áo đã cho phép hàng ngàn cửa hàng nhỏ mở cửa trở lại trong khi nước này vẫn giữa nguyên quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt tại một vài địa phương.

Châu Âu dần nới phong tỏa khi đường cong COVID-19 dần phẳng - ảnh 6


Một cửa hàng hoa ở thủ đô Vienna (Áo) mở cửa trở lại hôm 14-4 khi lệnh phong tỏa được nới lỏng. Ảnh: REUTERS

Hôm 11-4, trong một bức thư ngỏ, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nói rằng ông muốn “thoát khỏi cuộc khủng hoảng này càng nhanh càng tốt và chiến đấu vì công ăn việc làm tại Áo”.

Còn tại Cộng hòa Czech, với 6.000 ca nhiễm và 147 người chết vì COVID-19, nước này vẫn dỡ bỏ một số hạn chế về tập thể dục, mở một số trung tâm thể thao và sẽ cho phép một số cửa hàng mở cửa trở lại trong tuần này.

Tương tự, Ba Lan cũng sẽ cho phép các cửa hàng mở cửa trở lại từ ngày 19-4 tới.

WHO cảnh báo còn quá sớm

Về động thái nới lỏng phong tỏa, lệnh cấm của một số nước châu Âu, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lo ngại: “Mặc dù sự bùng phát dịch bệnh đang chậm lại ở châu Âu nhưng việc dỡ bỏ các lệnh hạn chế quá sớm có thể khiến cho số người chết tăng trở lại”.

Một số nước châu Âu cũng cho biết họ chưa xem xét thay đổi bất kỳ biện pháp phong tỏa, giới hạn nào, theo hãng tin AFP.

Tại Pháp, hôm 13-4, Tổng thống Emmanuel Macro nói rằng nước này sẽ kéo dài lệnh phong tỏa đến hết ngày 11-5.

Còn ở Anh, Ngoại trưởng Dominic Raab tuyên bố sẽ không nới lỏng các biện pháp phong tỏa cho đến khi họ đánh giá lại tình hình dịch bệnh trong tuần này.

Một số nguồn tin cho hay ông Raab sẽ có thể kéo dài lệnh phong tỏa tại Anh đến ngày 7-5, theo AFP.

Nguồn: Báo Pháp Luật

Bài trướcĐức dỡ phong tỏa từ từ để ngăn suy thoái kinh tế
Bài tiếp theoNhững ý tưởng thiết kế góc làm việc đem lại hứng khởi trong mùa dịch