Cuộc khủng hoảng của Volkswagen và kế hoạch đóng cửa một số nhà máy tại Đức đã gây lo ngại cho 120.000 người dân của thành phố Wolfsburg. Nhiều người trong số họ làm việc trực tiếp cho VW.
Tại Altdeutsche Bierstube, quán bar lâu đời nhất ở Wolfsburg, một người đàn ông đang đặt câu hỏi rằng liệu “quê hương” của Volkswagen có giống như Flint ở Michigan hay không, nơi từng được gọi là “thủ phủ của ô tô”.
Vào giữa những năm 1980, General Motors thông báo rằng họ không còn có thể cạnh tranh để sản xuất ô tô ở Flint nữa vì doanh số giảm sút và sự trỗi dậy của các hãng xe giá rẻ đến từ châu Á. GM thu hẹp hoạt động ở thành phố này. Giống như Flint, các khu vực khác thuộc vành đai gỉ sét của Mỹ đã chịu ảnh hưởng bởi tình trạng suy yếu của hoạt động sản xuất công nghiệp và cuộc khủng hoảng tài chính.
Trong nhiều thập kỷ, Wolfsburg và nhà máy sản xuất ô tô lớn nhất thế giới của họ là biểu tượng cho sự hồi sinh kỳ diệu của ngành công nghiệp Đức sau chiến tranh. Cuộc khủng hoảng của VW và kế hoạch đóng cửa một số nhà máy tại Đức đã gây lo ngại cho 120.000 người dân của thành phố. Nhiều người trong số họ làm việc trực tiếp cho VW.
Anke Jentzsch, người đã làm thực tập sinh ở VW cách đây hơn 20 năm cho biết rằng sẽ không có Wolfburg nếu không có VW. Ngoài ra, cô cũng nói về những rủi ro lớn khi công ty tư nhân lớn nhất Đức đã rút lại cam kết không sa thải nhân sự ở nước này.
Wolfsburg được chính quyền Đức Quốc xã thành lập 1 năm trước khi Thế chiến II nổ ra để làm nơi ở cho công nhân chế tạo VW. Kể từ đó, hơn 48 triệu chiếc ô tô đã “ra lò” ở đây. Hiện tại, VW sử dụng 60.000 nhân sự tại Wolfsburg và cũng có số nhân sự tương tự ở tiểu bang Lower Saxony ở miền trung nước Đức.
Jentzsch – người đang làm việc trong bộ phận kỹ thuật của VW, cho biết thêm rằng tầm quan trọng của VW không chỉ dừng lại ở lĩnh vực ô tô, mà còn ảnh hưởng đến cả những người làm bánh, làm tóc ở góc phố.
Tuy nhiên, việc chuyển hướng sang xe điện và cuộc đua phần mềm cũng rất tốn kém. Các giám đốc cấp cao của VW cảnh báo rằng, sự cạnh tranh ngày càng lớn từ các start up Trung Quốc sẽ khiến thị phần của VW trên thị trường ô tô châu Âu sụt giảm.
Trong khi đó, công đoàn và hội đồng đại diện cho nhân viên của VW – nắm giữ 1 nửa số ghế trong ban giám sát công ty, thông báo rằng họ sẽ phản đối mọi nỗ lực cắt giảm việc làm hay đóng cửa nhà máy.
Rủi ro về việc công ty tư nhân lớn nhất nước Đức sa thải nhân sự đã khiến giới chức Đức và EU phải can thiệp và bày tỏ mối lo ngại về tương lai của cường quốc sản xuất lớn nhất châu Âu.
Helena Wisbert, giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học Ostfalia ở Wolfsburg, người trước đây từng làm việc cho công ty, cho biết: “Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất của VW kể từ đầu những năm 90”.
Nhu cầu với T-Roc, mẫu SUV bán chạy nhất của VW tại châu Âu vào năm ngoái, cũng không thể bù đắp cho tình trạng doanh số sụt giảm và chi phí tăng lên. CFO của hãng – Arno Antlitz, đã cảnh báo rằng thương hiệu trên đã chi nhiều hơn số tiền kiếm được “trong một thời gian”.
Vấn đề này từ lâu đã ít thu hút sự chú ý nhờ sự thành công của VW ở Trung Quốc, nơi có chi phí sản xuất thấp và người tiêu dùng ưa chuộng các thương hiệu của Đức. Đại lục là thị trường có lợi nhuận cao nhất của VW.
Tuy nhiên, thị phần của VW tại Trung Quốc đã sụt giảm rất mạnh, khi người tiêu dùng nước này ngày càng ưa chuộng các thương hiệu nội địa như BYD. Doanh số của Porsche tại Trung Quốc đã giảm 1/3 trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước.
Sự bất ổn ngày càng lớn về tương lai của VW tại Trung Quốc đã khiến các giám đốc điều hành phải giải quyết các vấn đề vốn có xảy ra trong nhiều năm.
Các nhà cung cấp như Bosch, Continental và ZF Friedrichshafen chịu ảnh hưởng đầu tiên khi các khách hàng như VW bắt đầu giảm sản lượng. Trong 5 năm qua, các hãng này đã cắt giảm hàng chục nghìn việc làm.
Tại VW, một số trong 300.000 nhân sự tại Đức bị cắt giảm lương thực tế vì một số nhà máy đã phải hủy bỏ ca đêm để thích ứng với nhu cầu chậm lại. Hầu hết công nhân nhà máy làm việc luân phiên giữa ca sáng, ca chiều và ca đêm. Ca đêm có thù lao cao nhất, nghĩa là những công nhân bị sa thải mất hàng trăm euro mỗi tháng.
Benny Littau, người làm việc tại một nhà máy ở Wolfsburg, cho biết anh cảm thấy nhẹ nhõm một phần khi không còn phải làm ca đêm như 2 năm trước. Nhưng thu nhập nhìn chung cũng bị ảnh hưởng.
“Nhiều đồng nghiệp của tôi bắt đầu gặp vấn đề với khoản thế chấp của họ”, Littau nói, đồng thời bày tỏ sự thất vọng với định khiến chung rằng nhân viên VW cực kỳ giàu có. “Chúng tôi làm việc chăm chỉ để kiếm tiền, đây là công việc đòi hỏi sức lực”.
Thị trưởng Wolfsburg, Dennis Weilmann, chia sẻ ông có thể cảm nhận rằng người dân đang ngày càng thất vọng, đương nhiên là họ lo lắng về việc làm.
Nhưng ông nói thêm rằng những khó khăn của VW và tác động đối với thành phố và các thị trấn lân cận đã gây ra nhiều vấn đề hơn thế. Ông nói: “Cha tôi và cả ông nội, ông ngoại của tôi đều làm việc cho Volkswagen. Volkswagen là một phần bản sắc của chúng tôi”.
Nguồn : cafef